Thứ ba, 26/09/2023, 09:20 (GMT+7)

Người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm cao, bác sĩ khuyên gì?

Theo các chuyên gia, người bị mất ngủ có nguy cơ trầm cảm cao gấp 3,95 lần so với những người có giấc ngủ ngon.

Mất ngủ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe

Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân tên B.T.D (42 tuổi, ở Hải Dương) là giáo viên cấp 2, đến khám vì bị mất ngủ. Chị B.T.D là người sống nội tâm và cầu toàn. Gần 1 năm nay, chị có biểu hiện ngủ ít dần, ban đầu chị ngủ được 4-5 tiếng/ngày. Vì vẫn sinh hoạt và làm việc được nên chị không đi khám hay uống thuốc.

Khoảng 3 tháng gần đây, tình trạng này càng nặng hơn, mỗi đêm chị chỉ ngủ được 2-3 tiếng, khó vào giấc ngủ hơn, ngủ chập chờn. Tình trạng này khiến chị mệt mỏi nhiều, đau đầu, khó tập trung vào công việc hơn, hay lơ đãng, dễ nổi cáu, ăn kém ngon miệng. Nhiều lần học sinh hỏi bài nhưng chị không chú ý. Chị đã sụt mất 2 kg trong 2 tháng.

mat ngu Tiepthigiadinh H1
Một nghiên cứu chỉ ra gần 1/3 dân số nói chung than phiền về chứng mất ngủ nhưng chỉ 6-15% dân số được chẩn đoán

Càng ngày tình trạng mất ngủ càng nghiêm trọng hơn, chỉ một tiếng động nhỏ cũng làm chị tỉnh giấc và không ngủ lại được. Chị không dám ngủ chung giường với chồng vì anh ngủ ngáy… Chị B.T.D đã thử áp dụng nhiều cách như mua trà thảo dược về uống. Chị cũng đi khám ở bệnh viện tuyến dưới, dùng thuốc nhưng không cải thiện. Khi đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, chị B.T.D được chẩn đoán mất ngủ không thực tổn, phải vào viện điều trị nội trú.

Theo bác sĩ Phạm Công Huân - Phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần, sau 7 ngày được cho dùng thuốc kết hợp với liệu pháp thư giãn luyện tập, trị liệu tâm lý, tình trạng của bệnh nhân đã có cải thiện tốt.

Qua thực tế theo dõi tại viện, những năm gần đây, có khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng… Trong đó, 5% - 6,7% mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu.

Lời khuyên của bác sĩ

Bác sĩ Đoàn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, rối loạn giấc ngủ là tình trạng liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh bị mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng. Có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất.

Nguyên nhân của mất ngủ có thể liên quan đến nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính như: bệnh tim và tiểu đường. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh thể chất hoặc các bệnh lý hệ thần kinh như: suy tim sung huyết, viêm xương khớp và bệnh Parkinson. Một số bệnh nhân mất ngủ do sử dụng thuốc hay các chất kích thích…

Mất ngủ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm hoặc lo âu và ngược lại. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, 35% bệnh nhân đến khám vì rối loạn mất ngủ có 1 rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc. Mất ngủ là yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm, gấp 3,95 lần so với không có mất ngủ.

Các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh mất ngủ cần xác định phải điều trị lâu dài, như một bệnh mạn tính. Còn nếu nó là triệu chứng của các bệnh khác thì phải điều trị bệnh gốc.

Một số dấu hiệu để xác định bệnh nhân mất ngủ:

  • Khó bắt đầu giấc ngủ
  • Khó duy trì giấc ngủ, đặc trưng bởi thường xuyên thức giấc hoặc các vấn đề trở lại để ngủ sau khi thức giấc
  • Thức dậy vào buổi sáng sớm và không thể ngủ trở lại
  • Rối loạn giấc ngủ gây ra đau khổ hoặc suy giảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng trong xã hội, nghề nghiệp, học hành, cuộc sống...
  • Khó ngủ xảy ra ít nhất 3 đêm mỗi tuần và xuất hiện kéo dài ít nhất 3 tháng
  • Khó ngủ xảy ra mặc dù có đủ cơ hội để ngủ
  • Mất ngủ không do tác dụng sinh lý của một chất (như thuốc)...
mat ngu Tiepthigiadinh H2
Các bác sĩ khuyên bạn nên thực hành các hoạt động giúp thư giãn trước giờ đi ngủ

Bác sĩ khuyến cáo 10 biện pháp cải thiện tình trạng mất ngủ:

  • Tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định
  • Buổi trưa không nên ngủ quá 30 phút
  • Chỉ sử dụng giường cho việc ngủ, tránh ăn uống, làm việc, xem tivi, điện thoại trên giường
  • Không nên ăn quá no trước khi đi ngủ, nên ăn tối trước khi ngủ 3 tiếng
  • Tránh ăn nhiều đồ dầu mỡ chiên rán vì dễ dẫn đến đầy bụng khó tiêu. Tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia, trà
  • Tránh ánh sáng xanh từ tivi, điện thoại vì có thể làm mất ngủ
  • Tập thể dục hằng ngày giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ
  • Cố gắng giảm áp lực căng thẳng, thực hành các hoạt động giúp thư giãn trước giờ đi ngủ như bài tập thở, thiền
  • Nên đi khám nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
Cùng chuyên mục