Thứ năm, 21/09/2023, 09:04 (GMT+7)

4 loại bệnh gây thiệt hại 30.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới

Có 4 loại bệnh thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm nhưng lại chiếm hơn 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.

Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, do Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì tổ chức ngày 20/9, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh không lây nhiễm thường là những loại bệnh mạn tính, diễn tiến âm thầm, không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển. Các nguy cơ gồm: môi trường sống không lành mạnh, thuốc lá, rượu bia, ăn nhiều muối, đường, ít vận động... 

 4 loai benh Tiepthigiadinh H1
Việt Nam có hàng triệu ca mắc 4 loại bệnh không lây nhiễm: tim mạch, tiểu đường, hô hấp mạn tính, ung thư

Chia sẻ về 4 loại bệnh gây thiệt hại 30.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới, Ths, BS. Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, WHO xác định 4 loại bệnh không lây nhiễm chính gồm bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, hô hấp mạn tính. 4 loại bệnh trên gây ra gánh nặng bệnh tật cũng như tổn thất lớn nhất, có nguyên nhân chung liên quan đến hành vi. Đến năm 2018, bệnh tâm thần được bổ sung vào nhóm bệnh không lây nhiễm.

Năm 2018, khoảng 36 triệu ca tử vong trên thế giới do bệnh không lây nhiễm. Đáng chú ý, hơn 14 triệu ca trong đó là tử vong sớm (trước 70 tuổi). Các nước đang phát triển chịu gánh nặng rất lớn từ thực tế này. Năm 2020, ước tính bệnh không lây nhiễm đã khiến nền kinh tế thế giới tổn thất 47.000 tỷ USD. Trong đó, 4 loại bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, phổi mạn tính gây thiệt hại khoảng 30.000 tỷ USD, còn lại là bệnh tâm thần kinh.

“Hút thuốc lá, tăng huyết áp, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng bất hợp lý… là những yếu tố có thể phòng tránh của bệnh không lây nhiễm. Loại bỏ các yếu tố này sẽ cứu được rất nhiều người”, ông Nguyễn Tuấn Lâm nói.

4 loai benh Tiepthigiadinh H2
TS. Angele Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế tại Việt Nam (WHO)

Bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan trong nỗ lực phòng ngừa, dự phòng bệnh không lây nhiễm. Bệnh không lây nhiễm gây ra những thiệt hại khổng lồ về kinh tế. Ước tính hằng năm, thuốc lá gây thiệt hại khoảng 4,5 tỷ USD. Nó không chỉ gây ra thiệt hại với sức khỏe người dân mà còn giảm năng suất lao động, cuối cùng gây ra tử vong do nhiều bệnh liên quan thuốc lá. Một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống bệnh không lây nhiễm là đánh thuế các sản phẩm không lành mạnh, không tốt cho sức khỏe như thuốc lá, đồ uống có đường... qua đó giảm bớt tiêu thụ. 

“Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá bắt đầu giảm mặc dù chưa nhiều. Tôi xin chúc mừng Chính phủ và các cơ quan đã nỗ lực trong thời gian qua để đạt được kết quả này. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn phải nỗ lực hơn nữa để có thể cứu được nhiều mạng người hơn nữa”, bà Angela nói.

Theo các chuyên gia y tế, một "đại dịch" đã tồn tại và đang phát triển mạnh tại Việt Nam là các bệnh không lây nhiễm. Trong số đó, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế.

Cùng chuyên mục