Bệnh tim mạch khiến người Việt tử vong nhiều hơn cả ung thư
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch và khoảng 82.000 người tử vong vì ung thư.
Tại chương trình thực tế cộng đồng hưởng ứng ngày Tim mạch thế giới do Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam kết hợp phối hợp tổ chức vào ngày 16/9, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Quỹ Vì sức khỏe tim mạch Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan bệnh tim mạch.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, ngoài những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19, có một đại dịch khác đã tồn tại và đang phát triển mạnh đó là các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư, tâm thần… và đặc biệt nhất là các bệnh lý tim mạch. Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022 cho thấy, bệnh lý tim mạch (bao gồm cả đột quỵ) đã cướp đi 19,5 triệu sinh mạng. Số ca tử vong do tim mạch lớn hơn cộng gộp cả ba nguyên nhân gây tử vong sau đó như: ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường.
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia qua các năm từ 2000 đến năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và chiếm 25%. Như vậy, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Đáng lo ngại hơn, nếu như trước đây, bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Nhưng trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và độ tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hóa.
Bên cạnh các yếu tố như gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… thì lối sống ảnh hưởng rất lớn tới bệnh lý tim mạch. Những thói quen xấu như ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh, căng thẳng… thêm ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng, chữa bệnh càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh và làm bệnh tim mạch trầm trọng hơn.
Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, dựa trên kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như các thành tựu khoa học cho thấy, hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và chữa được một cách chủ động.
"Những hành động tưởng chừng như rất đơn giản như tuyên truyền, hướng dẫn mọi người không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực, đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày.… có thể giúp tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch.
Tập thể dục để tốt nhất cho tim mạch là vận động ở cường độ vừa đến mạnh chứ không quá mạnh. Lúc này, cơ thể vừa đủ sức chịu đựng, hơi vã mồ hôi nhẹ là vận động tốt nhất cho tim phổi. Nên vận động 30-60 phút mỗi ngày. Các phương pháp đi bộ nhanh, hoặc bơi, tập aerobic với cường độ vừa phải hay tập yoga, đạp xe... là những biện pháp được khuyến khích tốt cho tim mạch.", PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.