Cẩn thận với vi khuẩn Listeria trong thực phẩm có thể kháng lại thuốc khử trùng
Nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy loại vi khuẩn thường xuất hiện trong thực phẩm này có thể tạo lớp màng sinh học bảo vệ ảnh hưởng từ các loại thuốc khử trùng.
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Biofilm, các nhà khoa học tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết các loài vi khuẩn vô hại tồn tại trong môi trường thực phẩm được đóng gói sẽ kết dính với nhau và tạo ra một lớp màng sinh học bảo vệ quanh vi khuẩn Listeria.
Bà Jasna Kovac - đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ, nhóm nghiên cứu tìm thấy 2 nhóm vi sinh vật trong trái cây đóng gói là Pseudomonadaceae và Xanthomonadaceae, có khả tạo màng sinh học rất tốt và bảo vệ vi khuẩn Listeria. Màng sinh học như một rào cản vật lý có thể giảm hiệu quả của chất khử trùng, và được giả thuyết rằng làm tăng khả năng sống sót của Listeria monocytogenes khi sử dụng chất khử trùng tại các cơ sở chế biến.
Do đó, vi khuẩn Listeria được bảo vệ chỉ phải hấp thụ lượng thuốc khử trùng nhỏ hơn rất nhiều, khiến nó khó bị tiêu diệt.
Thông thường, các công ty thực phẩm sẽ phun thuốc khử trùng để chống Listeria. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này đã chỉ ra, cần phải đánh giá hiệu quả của các loại thuốc khử trùng phổ biến, khi các vi sinh vật hình thành màng bảo vệ vi khuẩn thường xuất hiện trong môi trường chế biến thực phẩm.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, vi khuẩn Listeria là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh lây truyền qua thực phẩm ở Mỹ. Có tới 1.600 người nhiễm Listeria nghiêm trọng và 260 ca tử vong mỗi năm. Vi khuẩn Listeria có thể lây nhiễm sang những bộ phận khác ngoài ruột.
CDC Mỹ khuyến cáo người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và người trên 65 tuổi cần tránh những loại thực phẩm có khả năng cao chứa Listeria như phô mai mềm chưa tiệt trùng, thịt nguội chưa đun nóng, dưa gang đã được cắt và để ở ngoài trong 2 giờ hoặc trong tủ lạnh hơn 1 tuần, giá sống hoặc chỉ mới trụng qua nước.
Bên cạnh đó, vi khuẩn này còn có thể trong nhiều loại thực phẩm như: thịt sống, thịt đã qua chế biến ăn liền như xúc xích và thịt nguội (cả gói và sản phẩm được dán kín tại nhà máy được bán tại quầy đồ nguội), các loại rau sống, pate đông lạnh, hải sản hun khói và hải sản sống, salad được chế biến sẵn hoặc bảo quản, sữa và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng...
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết, bệnh listeriosis hiếm gặp so với các bệnh do thực phẩm khác nhưng rất nghiêm trọng. Ngay cả khi được điều trị bằng kháng sinh đầy đủ, căn bệnh này vẫn có tỷ lệ tử vong cao từ 20 - 30%. Hơn 90% những người mắc bệnh listeriosis phải nhập viện, thường là ở các phòng chăm sóc đặc biệt.
Mọi người bị nhiễm Listeria monocytogenes do ăn thực phẩm bị ô nhiễm hoặc chạm vào các bề mặt và đồ dùng bị ô nhiễm. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm bệnh nếu mẹ ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm trong thai kỳ.
Để tiêu diệt và ngăn chặn vi khuẩn này sinh sôi trong thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện các thao tác khi sơ chế và chế biến thực phẩm như thanh trùng, nấu chín và khử trùng...