Ngủ trưa thế nào thì có lợi cho sức khỏe?
Ngủ trưa đúng cách sẽ đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trên chuyên san The Conversation, PGS. Steven Bender của Đại học Texas A&M trích dẫn các nghiên cứu của ông và các cộng sự cho thấy giấc ngủ trưa có thể giúp bạn tạo nên sự khác biệt lớn trong sự nghiệp. Giấc ngủ trưa ngắn được chứng minh là giúp tăng cường chức năng thần kinh và trí nhớ, cải thiện sự tỉnh táo và thời gian phản ứng với các sự việc ập đến.
Ngoài ra, giấc ngủ ngắn được cho là giúp tăng năng suất cho ca làm buổi chiều và thúc đẩy tư duy sáng tạo. Não sử dụng thời gian ngủ trưa để xử lý thông tin thu thập được trong ngày, từ đó giúp nâng cao khả năng giải quyết vấn đề.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Psychiatry and Clinical Neuroscience" cho thấy khi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn, mức độ thư thái và hạnh phúc trong cơ thể sẽ tăng lên đáng kể. Nhà tâm lý học Lauren Mednick của ĐH Havard (Mỹ) còn chỉ ra những giấc ngủ ngắn trong ngày cũng có thể thúc đẩy trí nhớ. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng là một trong những lợi ích được chứng minh khi ngủ trưa 1-2 lần/tuần.
Trung tâm giấc ngủ Mỹ khuyến khích những giấc ngủ ngắn từ 20-30 phút để cải thiện sự tỉnh táo mà không khiến người ngủ mệt mỏi sau đó. Điều cần lưu ý là không nên ngủ trưa ngay sau khi ăn. Việc này sẽ làm chậm tốc độ nhu động ruột, khiến thức ăn ứ đọng trong dạ dày và khó tiêu hóa.
Có nhiều bằng chứng cho thấy ngủ trưa quá dài ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, nhất là ở người trên 60 tuổi. Trong nghiên cứu của mình, TS. Zhe Pan của Đại học Y khoa Quảng Châu (Trung Quốc) đã chứng minh người ngủ trưa hơn 1 tiếng có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 30% và khả năng mắc bệnh tim mạch cao hơn 34% so với những người không ngủ trưa.
Năm 2015, một nghiên cứu khác của GS. Yamada và cộng sự được công bố trên tạp chí Sleep cũng cho thấy, những giấc ngủ trưa dài hơn 1 giờ làm tăng 82% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng 27% tử vong do mọi nguyên nhân. Ngoài ra, giấc ngủ trưa kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ còn được chứng minh liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao và làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, ngủ trưa dài sẽ gây ra "quán tính giấc ngủ" khiến bạn cảm thấy "mất phương hướng" sau khi thức dậy và phá hoại ca làm buổi chiều, khiến bạn uể oải cả buổi.
- Bộ Y tế khuyến cáo về vi khuẩn Whitmore “ăn thịt người”
- Ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng: Viện Pasteur Nha Trang công bố kết quả kiểm nghiệm
- WHO cảnh báo virus Nipah có thể gây ra đại dịch tiếp theo
- 4 loại bệnh gây thiệt hại 30.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới
- Đắk Lắk: Xác minh thông tin cô giáo đánh học sinh, xúc phạm phụ huynh là mẹ đơn thân
- Sở GD&ĐT TP.HCM lý giải về các khoản vận động thu đầu năm học mới