Thứ sáu, 22/09/2023, 09:09 (GMT+7)

Ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng: Viện Pasteur Nha Trang công bố kết quả kiểm nghiệm

Theo kết quả kiểm nghiệm của vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại TP Hội An, nhiều mẫu thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc.

banh mi Phuong Tiepthigiadinh H1
Tiệm bánh mì Phượng đóng cửa từ ngày 13/9 đến nay

Sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu gửi, đề nghị Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng. Viện Pasteur Nha Trang đã thực hiện kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm và 1 mẫu phân. 12 mẫu thực phẩm gồm: Pate, rau xà lách, dưa leo, rau húng, hành, chả heo, thịt heo xíu mại, trong đó có mẫu dương tính với khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm như sau:

  • Chả heo (lấy mẫu lúc 7h ngày 11/9) dương tính với Bacillus Cereus sinh độc tố NHE và HBL;
  • Thịt heo xíu (lấy mẫu lúc 7h ngày 11/9) dương tính với Salmonella spp;
  • Rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo (lấy mẫu lúc 7h ngày 12/9) dương tính Salmonella spp.
  • Thịt heo xíu (lấy mẫu cơ sở lúc 7h30 ngày 12/9) dương tính Salmonella spp;
  • Xíu mại (lấy mẫu lúc 7h ngày 12/9) dương tính với Bacillus Cereus sinh độc tố NHE;
  • Thịt heo xíu (lấy mẫu lúc 10h30 ngày 13/9) dương tính với Salmonella spp;
  • Xíu mại (lấy mẫu lúc 10h ngày 13/9) dương tính với Salmonella spp.

Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm mẫu phân của một bệnh nhân nữ người nước ngoài (lấy mẫu ngày 14/9) tìm thấy khuẩn Salmonella gây bệnh đường ruột.

Theo bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam, sau khi nhận được văn bản của Viện Pasteur Nha Trang trả lời về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm bánh mì Phượng, Chi cục đang tiếp tục phân tích trước khi có kết luận cuối cùng.

“Khuẩn Bacillus cereus là độc tố rất dễ gây ra ngộ độc thực phẩm. Chúng tôi đang tiếp tục phân tích thêm dựa trên các mẫu. Khuẩn Bacillus cereus phát hiện chủ yếu trong mẫu thịt xíu. Theo tôi, nhiều khả năng do lây nhiễm khuẩn chéo từ các thực phẩm với nhau, có thể do cách bảo quản thực phẩm chưa đúng cách” - bà Cẩm nói.

Bacillus cereus là một loại vi khuẩn hoại sinh, được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella (vi khuẩn thương hàn) và các vi rút. Bacillus cereus gây ra hai bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: hội chứng nôn và hội chứng tiêu chảy.

Salmonella là một loại trực khuẩn có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật, gọi là bệnh nhiễm Salmonella. Nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm vi khuẩn Salmonella trong dạ dày và ruột. Salmonella có mặt khắp thế giới, trong cả động vật máu lạnh và máu nóng, trong mọi môi trường. Salmonella là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới, với hàng triệu ca nhiễm hàng năm, dẫn đến hàng trăm nghìn trường hợp tử vong. Chúng có sức sống và sức đề kháng tốt, chịu được lạnh, sống trong rau quả 5-10 ngày, trong phân đến vài tháng.

Hiện tại, sức khỏe của các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng đã ổn định và xuất viện sau thời gian điều trị .

Sau vụ ngộ độc nghiêm trọng này, chủ tiệm bánh mì Phượng cũng đăng tải thư xin lỗi gửi tới khách hàng trên trang cá nhân, thừa nhận sơ sót của quán trong quá trình kiểm soát nhập nguyên liệu đầu vào, chưa đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến tay người dùng. Chủ tiệm bánh mì Phượng cũng cam kết sẽ đem lại những sản phẩm bánh mì tốt nhất, an toàn nhất để phục vụ quý khách hàng khi được phép hoạt động trở lại.​

banh mi Phuong Tiepthigiadinh H2
Thư xin lỗi khách hàng của chủ tiệm bánh mì Phượng
Cùng chuyên mục