Thứ năm, 14/09/2023, 14:22 (GMT+7)

Số người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng đã lên tới hơn 90 người

Mẫu vật phẩm đã được gửi tới Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc sau khi ăn bánh mì.

ngo doc sau khi an banh mi Tiepthigiadinh H1
Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện sau khi ngộ độc do ăn bánh mì

Theo thông tin đã phản ánh, vào 14h30 ngày 12/9, Trung tâm Y tế TP. Hội An nhận được tin cả gia đình có 5 người ăn bánh mì ở cơ sở Bánh mì Phượng (số 2b, đường Phan Chu Trinh, phường Minh An, TP. Hội An) bị ngộ độc và đang điều trị tại Bệnh viện Thái Bình Dương (TP. Hội An). Sau đó, Trung tâm Y tế đã thành lập đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm để nắm thông tin ban đầu, đồng thời tích cực khẩn trương điều tra, xử lý, báo cáo vụ ngộ độc theo đúng quy định.

Qua khai thác thông tin, đoàn điều tra ghi nhận, không chỉ có 5 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, mà còn có nhiều người khác đang nằm điều trị tại một số bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng (Bệnh viện Thái Bình Dương, Trung tâm Y tế Hội An, Phòng khám An Cường, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng). Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng: Sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài.

Các loại thức ăn nghi ngờ bị ngộ độc gồm: thịt heo nướng, thịt heo nguội, chả heo, thịt gà, bánh mì ổ, xà lách, pate, dưa leo, rau răm, hành, trứng gà, dầu ăn, tương ớt, ớt trái… đã được đoàn điều tra niêm phong, bảo quản mẫu theo quy định để gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Sáng 13/9, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đoàn công tác của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương có mặt tại tiệm bánh mỳ Phượng để điều tra, xử lý. Chủ cơ sở bánh mỳ Phượng là ông Đặng Ngọc Châu. Ngày 11/9, cơ sở bán tổng cộng 1.920 ổ bánh mỳ, ngày 12/9, cơ sở bán tổng cộng 1.700 ổ bánh mỳ. Cơ sở kinh doanh nằm trong khu vực phố cổ, diện tích khoảng 97m2; số người lao động làm việc trực tiếp tại đây là 10 người. Tại thời điểm điều tra, cơ sở đã dừng hoạt động chế biến, kinh doanh.

Tính đến sáng 14/9, theo thông tin từ ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, tổng số bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng là 91 ca. Trong số đó có 25 khách nước ngoài. Sở Y tế cũng đã đề nghị các cơ sở y tế thực hiện các biện pháp cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm. Hiện tại, có 32 ca xuất viện, 1 ca chuyển Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, 4 ca là bệnh nhân người nước ngoài đang điều trị tại Bệnh viện Vĩnh Đức.

Theo kết luận ban đầu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam, thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc sau khi ăn bánh mì là bánh mì ổ, các loại thịt, pate, các loại rau và gia vị có trong bánh mì. Đoàn điều tra của Chi cục đã lấy mẫu vật phẩm gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Cùng chuyên mục