Thứ năm, 14/09/2023, 09:56 (GMT+7)

Ngộ độc khí CO trong hỏa hoạn nguy hiểm thế nào?

Theo kết luận của các bác sĩ, đa số nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội hít phải và bị ngộ độc khí CO. Vậy ngộ độc khí CO nguy hiểm thế nào, các biểu hiện ra sao?

Thống kê vào tối 13/9 cho thấy, số người tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đã lên đến 56 người, số người bị thương được điều trị tại các bệnh viện là 37 người. Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu hầu hết bị ngạt khói, ngộ độc khí CO. Một số bệnh nhân nhảy xuống từ tầng cao nên nhiều người bị chấn thương, đa chấn thương, có bệnh nhân sốc, phải thở máy, không có bệnh nhân bị bỏng…

ngo doc khi CO Tiepthigiadinh H1
Nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ được đưa đi cấp cứu

Khí CO là khí gì?

Monoxyt cacbon (CO) là một loại khí không gây kích thích, không màu, không mùi, không vị. CO được sinh ra do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất có thành phần carbon như: than, dầu diezen và các chất đốt khác… do thiếu nguồn oxy cung cấp. Nguồn CO trong môi trường còn là khói thuốc lá, khói thải của xe hơi, đun nấu, sưởi bằng than. Một số hóa chất như chlorur mythylen được chuyển thành CO trong cơ thể.

Ngộ độc CO nguy hiểm thế nào?

Khí CO xâm nhập cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp... Các tổn thương đầu tiên của nhiễm độc CO xảy ra với hệ thần kinh trung ương (vỏ não, nhân dưới vỏ não, đồi thị) kéo theo tổn thương cả thần kinh ngoại biên. Khí CO còn ngấm vào máu, chiếm chỗ của khí oxy để gắn vào hồng cầu, khiến máu đến mô bị thiếu oxy, từ đó gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, gan...

Bác sĩ Doãn Uyên Vy, Phó Đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, những tác động vào thần kinh và máu có thể khiến nạn nhân ngất đi rồi nhanh chóng, sau đó tử vong mà không hay biết, y học gọi là cái chết "êm dịu", "không báo trước".

Khí CO từ các đám cháy không chỉ gây nguy hiểm cho các nạn nhân trực tiếp mà còn phát tán ra không khí, ảnh hưởng người xung quanh. Một số đám cháy còn sinh ra khí HCN, photgen... rất độc với con người.

Biểu hiện của ngộ độc khí CO

Các biểu hiện của ngộ độc khí CO theo mức độ nặng, nhẹ phụ thuộc vào nồng độ CO trong không khí, thời gian tiếp xúc và đặc điểm mẫn cảm của từng cá thể và chủ đạo là các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương.

Mức độ nhẹ

Việc nhiễm độc có thể gây cảm giác đau đầu, đau nhói hai bên thái dương và vùng trán, choáng váng, ù tai, hoa mắt, xa xẩm mày mặt, run chân tay, đau thắt ngực, mệt, buồn nôn, nôn. Da và niêm mạc của bệnh nhân hồng hào. Nhịp tim, mạch nhanh, thở nhanh, rối loạn. Nếu có thể ra khỏi khu vực nhiễm CO, hít thở trong không khí có oxy, các biểu hiện trên sẽ giảm dần và bệnh nhân có thể khỏe mạnh trở lại sau 1-2 ngày.

ngo doc khi CO Tiepthigiadinh H2
Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh... là những biểu hiện ngộ độc CO nhẹ

Với bệnh nhân đã có bệnh tim mạch hoặc bệnh mạch máu ở não, có chứng đột quỵ, cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, bệnh có thể nặng lên khi chỉ mới tiếp xúc với một lượng CO hơi tăng. Sự tiếp xúc mạn tính với lượng CO thấp có thể gây biến đổi nhẹ về thần kinh, tăng huyết khối và ở phụ nữ mang thai có những biến đổi ở bào thai…

Mức độ nặng

Các triệu chứng nhiễm độc có thể kéo dài vài ngày, bệnh nhân thờ ơ, vô cảm, dần chuyển sang mê sảng, suy giảm, mất trí nhớ, co giật cơ, ngất, đồng tử giãn, phản xạ yếu với ánh sáng, giảm phản xạ cơ-gân, cứng gáy. Thở nông, nhanh, mạch nhanh, yếu, giảm trương lực cơ, đặc biệt là chi dưới, bệnh nhân không đứng được, hai chân run, co giật, chuyển sang liệt không đi được. Khi khám thấy viêm họng, phù nề thanh quản, thở rít, sau 2-3 ngày có thể thấy triệu chứng viêm phế quản-phổi, tổn thương do thiếu oxy mô phổi, xuất huyết; rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh, huyết áp tụt, thiếu máu cơ tim; ban đỏ, mề đay, hoại thư.

Trong các trường hợp thuận lợi, bệnh nhân tỉnh dần, khi đó có các biểu hiện bứt rứt, kích động. Còn nếu bệnh nhân mê sảng lâu trên 48 giờ thì tiên lượng xấu hơn.

Nhiễm độc mãn tĩnh

Người bị nhiễm độc khí CO mãn tính có các biểu hiện không điển hình. Triệu chứng chủ yếu liên quan đến tổn thương thần kinh. Các dấu hiệu thương thấy là nhức đầu, đau nhói từng cơn dữ dội. Đau đầu tăng trong ngày lao động, nhiều nhất là vào cuối ca, trong suốt tuần lao động và giảm bớt đau trong ngày nghỉ cuối tuần; bệnh nhân có cảm giác đứng không vững, thể lực giảm sút; chóng mặt.

Một số triệu chứng khác như: ăn không ngon, hay buồn nôn, ho, khó thở gắng sức, hồi hộp, lo âu, đau vùng tim, hay buồn ngủ, rối loạn cảm giác, rối loạn thị giác: ruồi bay, ám điểm, biến đổi vi trường.

Các rối loạn do nhiễm độc khí CO nghề nghiệp không thể hết được nếu còn tiếp tục tiếp xúc. Bệnh giảm nhanh khi ngừng tiếp xúc, các rối loạn chức năng giảm đi rõ rệt vào tuần thứ 2-3, bệnh khỏi trong vòng 1-2 tháng.

Cách phòng chống ngộ độc khí CO trong đám cháy

ngo doc khi CO Tiepthigiadinh H3
Cần dùng khăn ẩm che mũi và miệng để ngăn khí CO xâm nhập vào cơ thể

Để phòng chống ngộ độc CO trong đám cháy, bác sĩ Doãn Uyên Vy khuyến cáo người gặp nạn cần sử dụng khăn thấm nước che kín miệng và mũi nhằm lọc không khí khi hít thở. Có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước. Bên cạnh đó, nạn nhân phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da. Khi lượng khói phát sinh nhiều, phải cúi khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra ngoài.

Quan trọng nhất là cố gắng giữ bình tĩnh gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để được cứu nạn kịp thời.

Cùng chuyên mục