Điều kiện về PCCC của chung cư mini quy định ra sao?
Để đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn khi có cháy, cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý công trình nhiều tầng cần chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn PCCC.
Thực tế đã ghi nhận nhiều vụ cháy xảy ra tại chung cư mini và các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại chung cư mini. Mới đây nhất là vụ việc cháy chung cư mini tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành khắc phục hậu quả và tìm nguyên nhân vụ cháy. Trong khi đó, con số thương vong không ngừng tăng lên.
Được biết, chung cư mini này có diện tích mặt sàn khoảng 200m2, gồm 150 người dân sinh sống trong gần 50 căn hộ cho thuê. Trong đó, 1 tầng hầm để xe, 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum. Mỗi tầng được thiết kế với 5 căn hộ có diện tích căn hộ từ 35-56m2.
Bên cạnh những cảm xúc thương xót cho nạn nhận và gia đình, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi vậy chung cư mini có quy định về PCCC không và quy định đó như thế nào?
Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini
Tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini được quy định như sau:
Với nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3
- Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn. Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt.
- Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn.
- Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
- Có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Những người được phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Với nhà chung cư cao 7 tầng trở lên
Ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini dưới 7 tầng ở trên thì chung cư trên 7 tầng còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Vi phạm yêu cầu về PCCC bị phạt như thế nào?
Trường hợp chủ sở hữu chung cư mini vi phạm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy có thể bị phạt tiền, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-5 năm.
Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo 14 biện pháp PCCC
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra ở các công trình cao tầng, song song với việc chấp hành nghiêm các quy định an toàn thì các tổ chức, cá nhân quản lý công trình phải thực hiện 14 biện pháp sau:
1. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy cháy.
2. Trong hoạt động phải sử dụng xăng, dầu, khí đốt và các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
3. Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định đảm bảo an toàn PCCC và giải pháp ngăn cháy lan.
4. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt.
5. Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm trần, mái, vách ngăn, cách âm... Rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy.
6. Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy.
7. Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan.
8. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích.
9. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.
10. Lối thoát nạn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Có đủ lối thoát nạn, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn.
- Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng.
- Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
11. Thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ cứu nạn cho lực lượng PCCC, bảo vệ công trình.
12. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước để chữa cháy.
13. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người trong tình huống cháy phức tạp nhất.
14. Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC (số điện thoại 114), báo cho Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.