WHO cảnh báo virus Nipah có thể gây ra đại dịch tiếp theo
Ấn Độ đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 do virus Nipah gây ra. Số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng khiến WHO lo sợ bùng phát đại dịch sau COVID-19.
2 trường hợp tử vong ở Ấn Độ do virus Nipah trong những tuần gần đây và nhiều người khác được cho là mang căn bệnh chết người, giết chết tới 70% số người bị lây nhiễm. Các quan chức ở Ấn Độ đang nỗ lực ngăn chặn virus, đóng cửa các trường học, văn phòng và phương tiện giao thông công cộng để ngăn chặn căn bệnh dễ lây lan này.
Virus Nipah là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah là một bệnh lây truyền từ dơi ăn quả sang người. Nó có khả năng lây truyền khi tiếp xúc gần cả từ động vật sang người lẫn từ người sang người. Các loài động vật mà virus Nipah có thể lây nhiễm bao gồm: ngựa, lợn, cừu, dê, mèo, chó và đặc biệt là dơi.
Nipah được WHO xác định là căn bệnh được ưu tiên cao với khả năng gây ra một đại dịch toàn cầu khác, khiến bất kỳ đợt bùng phát nào cũng trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Các đợt bùng phát virus Nipah đã xảy ra kể từ khi loại virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998 ở lợn và người chăn nuôi lợn ở Malaysia và Singapore. Đợt bùng phát hiện nay tập trung ở bang Kerala phía nam Ấn Độ, nơi các đợt bùng phát trước đó được ghi nhận vào năm 2018, 2019 và 2021.
Triệu chứng của virus Nipad tương tự COVID-19
Các triệu chứng của virus Nipah tương tự như COVID-19 bao gồm: ho, đau họng, đau cơ, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, sốt, mệt mỏi, rối loạn tâm thần và co giật... Dựa vào một số trường hợp được phát hiện gần đây ở Kerala, Ấn Độ, virus Nipah được phân thành 3 loại: Nhiễm trùng không có triệu chứng, Nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và Viêm não gây tử vong.
Người nhiễm bệnh trong vòng 4-14 ngày có thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trên. Tuy nhiên cũng có trường hợp phải đến 45 ngày mới xuất hiện triệu chứng. Vì thế, một số người mang virus Nipah không có triệu chứng và cảm thấy khỏe mạnh, ngay cả khi họ lây nhiễm sang người khác.
Bệnh rất dễ lây lan và hiện không có vắc xin hoặc thuốc chữa bệnh nhiễm Nipah. Việc điều trị thường chỉ giới hạn ở việc làm giảm các triệu chứng sốt, nhức đầu, ho, đau họng và nôn mửa ở những người mắc bệnh.
WHO cho biết, một số người nhiễm bệnh cũng phải đối mặt với các vấn đề về hô hấp và viêm phổi không điển hình, thậm chí họ có thể bị viêm não và co giật gây ra tình trạng hôn mê. Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị mất phương hướng, co giật, hôn mê hoặc sưng não (viêm não). Trên thực tế, một số người sống sót sau đợt nhiễm Nipah có các triệu chứng thần kinh lâu dài như co giật và thay đổi tính cách thất thường.
Tỉ lệ tử vong ở người nhiễm virus Nipah cao hơn nhiều so với mắc COVID-19. Theo tuyên bố mới đây của Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) Rajeev Bahl, trong khi tỉ lệ tử vong do COVID-19 từ 2-3% thì Nipah có tỉ lệ tử vong từ 40-70%.
WHO đã xác định được những “bệnh ưu tiên” có khả năng gây ra đại dịch tiếp theo: virus Nipah; virus Marburg và Ebola; sốt xuất huyết Crimean-Congo; sốt Lassa; Sốt rift thung lũng; Hội chứng hô hấp Trung Đông (còn được gọi là MERS); hội chứng hô hấp cấp tính nặng (thường được gọi là SARS); COVID-19 và virus Zika…
- Hà Nội chỉ đạo khẩn ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19
- Đau mắt đỏ - Triệu chứng mới của COVID-19