AI 'tái định hình' ngành quảng cáo toàn cầu, doanh nghiệp cần làm gì để không bị bỏ lại?
Dự báo đến năm 2029, doanh thu ngành giải trí và truyền thông sẽ cán mốc 3.500 tỷ USD, trong đó quảng cáo số ứng dụng AI đóng vai trò dẫn dắt. Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần làm gì để không bị bỏ lại phía sau?
Việt Nam dẫn đầu APAC về thu hút quảng cáo: Cơ hội nào cho các nhà tiếp thị nắm bắt xu hướng?
70% hiệu quả quảng cáo phụ thuộc vào yếu tố sáng tạo: Doanh nghiệp đã đầu tư đúng chỗ chưa?
AI viết kịch bản, dựng video, đo hiệu quả: Doanh nghiệp nhỏ đã có 'agency trong túi'?
Trong báo cáo “Triển vọng ngành giải trí & truyền thông toàn cầu 2025–2029” công bố ngày 24/7, công ty tư vấn PwC dự báo ngành này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 3,7% cho đến năm 2029. Động lực tăng trưởng không chỉ đến từ các yếu tố kỹ thuật số, mà còn từ những hạng mục phi kỹ thuật số như các sự kiện trực tiếp, vốn đang dần phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu phải thắt chặt chi tiêu vì lạm phát và các biến động kinh tế, ngành giải trí đang đối mặt với nhiều áp lực. Các dịch vụ đăng ký nội dung, truyền hình và hoạt động xem phim giảm sút. Tuy nhiên, báo cáo của PwC chỉ ra rằng quảng cáo chính là "phao cứu sinh" giúp toàn ngành tiếp tục tăng trưởng.
Các định dạng quảng cáo kỹ thuật số vốn chiếm 72% tổng doanh thu quảng cáo vào năm 2024, được dự đoán sẽ tăng lên 80% vào năm 2029. Những công nghệ tiên tiến như AI, machine learning và khả năng siêu cá nhân hóa được xem là chìa khóa giúp nội dung quảng cáo trở nên hấp dẫn, phù hợp hơn với từng người dùng.

Đáng chú ý, doanh thu quảng cáo từ TV kết nối mạng (Connected TV) được kỳ vọng sẽ tăng lên 51 tỷ USD vào năm 2029, phản ánh xu hướng người dùng ngày càng ưa chuộng các nền tảng tương tác số. Trong khi đó, lĩnh vực trò chơi điện tử tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ, với doanh thu dự kiến chạm mốc 300 tỷ USD, tạo thêm dư địa để các thương hiệu khai thác quảng cáo sáng tạo hơn.
Chia sẻ về xu hướng này, ông Bart Spiegel, lãnh đạo toàn cầu mảng giải trí và truyền thông tại PwC, nhận định: “Khi người tiêu dùng gặp áp lực tài chính, quảng cáo trở thành công cụ ‘trợ giá’, giúp các dịch vụ giải trí tiếp cận dễ dàng hơn với công chúng”.
Ông Spiegel cũng nhấn mạnh, ngành giải trí và truyền thông luôn là “ngọn cờ đầu” trong đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ AI và các công nghệ mới, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, không ngừng sáng tạo và nâng cao trải nghiệm người dùng trong một hệ sinh thái số ngày càng cạnh tranh.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông hoặc các thương hiệu đang đẩy mạnh chiến lược tiếp cận khách hàng, đây là thời điểm quyết định để chuyển mình.
Việc đầu tư vào hạ tầng dữ liệu, hệ thống phân tích hành vi người tiêu dùng và các giải pháp AI ứng dụng trong quy trình sáng tạo, phân phối nội dung sẽ là yếu tố then chốt để giữ vững vị thế cạnh tranh. Nếu như trước đây, nội dung sáng tạo mang tính đại trà có thể đạt hiệu quả, thì nay, sự thành công nằm ở khả năng thấu hiểu cá nhân, cung cấp thông điệp đúng người, đúng thời điểm, đúng ngữ cảnh.
AI không chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ mà đang từng bước thay đổi bản chất ngành quảng cáo. Nó đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với tư duy chiến lược, kỹ năng vận hành và cách thức xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Trong một thế giới nơi mọi trải nghiệm đều có thể được số hóa và đo lường, doanh nghiệp nào nhanh nhạy nắm bắt công nghệ sẽ nắm lợi thế. Ngược lại, nếu chậm chân, họ không chỉ mất cơ hội tăng trưởng mà còn có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu đang tăng tốc từng ngày.