Việt Nam dẫn đầu APAC về thu hút quảng cáo: Cơ hội nào cho các nhà tiếp thị nắm bắt xu hướng?
Việt Nam đang dẫn đầu khu vực APAC về mức độ thu hút quảng cáo và có tỉ lệ gian lận thấp nổi bật. Trước những thay đổi nhanh chóng trong hành vi người dùng, đâu là cơ hội để các nhà tiếp thị nắm bắt và tối ưu chiến dịch?
Tiết lộ xu hướng quảng cáo ngoài trời giúp thương hiệu chạm đến cảm xúc người tiêu dùng
Xu hướng quảng cáo mới giúp thương hiệu gây dựng niềm tin với khách hàng
Ngày 23/7, nền tảng công nghệ quảng cáo toàn cầu DoubleVerify (DV) đã công bố Báo cáo Global Insights 2025 dành riêng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Báo cáo được xây dựng dựa trên phân tích hơn 1.000 tỉ lượt hiển thị quảng cáo trên máy tính, thiết bị di động và truyền hình kết nối (CTV), cùng khảo sát chuyên sâu với các nhà tiếp thị và người tiêu dùng toàn cầu.
Kết quả cho thấy Việt Nam là thị trường nổi bật tại APAC với mức thu hút sự chú ý trong quảng cáo cao hơn chuẩn toàn cầu tới 27%, đồng thời là một trong những quốc gia có tỉ lệ gian lận quảng cáo thấp nhất khu vực, chỉ ở mức 0,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm trước.
Theo báo cáo, chỉ số thu hút sự chú ý trong quảng cáo tại Việt Nam đang dẫn đầu khu vực, đặc biệt nổi bật ở định dạng hiển thị web di động cỡ trung, vốn vượt chuẩn toàn cầu tới 51%. Điều này cho thấy người dùng tại Việt Nam có mức tương tác cao với quảng cáo, mở ra cơ hội lớn cho các thương hiệu tối ưu hiệu quả truyền thông.

Bên cạnh đó, tỉ lệ gian lận quảng cáo và lưu lượng không hợp lệ (SIVT) tại Việt Nam đạt mức 0,4%, thấp hơn mức trung bình khu vực Đông Nam Á (0,8%) và thấp hơn cả chuẩn toàn cầu đến 18%. APAC hiện là khu vực có tỉ lệ gian lận quảng cáo thấp thứ hai thế giới, phản ánh sự cải thiện về tính minh bạch và độ tin cậy của hệ sinh thái quảng cáo kỹ thuật số.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, báo cáo cũng chỉ ra tỉ lệ hiển thị quảng cáo thực tế tại Việt Nam đã giảm còn 69%, sụt giảm ở cả định dạng hiển thị và video. Đây là tín hiệu cần lưu tâm, khi khả năng hiển thị là yếu tố cốt lõi trong việc đánh giá hiệu quả chiến dịch.
Ngoài ra, tỉ lệ vi phạm về tính phù hợp thương hiệu tại Việt Nam tăng lên 8,3%, cao hơn mức trung bình khu vực là 7,7%. Nguyên nhân được lý giải đến từ các chu kỳ tin tức nhiều biến động, bao gồm các nội dung giật gân hoặc nhạy cảm về chính trị, đòi hỏi các nhà quảng cáo phải cẩn trọng hơn trong việc chọn lọc ngữ cảnh xuất hiện quảng cáo.
Tại khu vực APAC, người tiêu dùng hiện dành trung bình 3,5 giờ mỗi ngày để tiêu thụ nội dung trực tuyến, trong đó mạng xã hội là nền tảng chiếm ưu thế. Các định dạng quảng cáo dựa trên hiệu suất cao như reels, newsfeed tiếp tục vượt chuẩn, phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ về phía các hình thức kết nối kỹ thuật số ngắn gọn, bắt mắt.
Tuy vậy, 46% người dùng trong khu vực sử dụng công cụ chặn quảng cáo, và gần 50% cho biết sẽ giảm khả năng mua hàng nếu thương hiệu xuất hiện bên cạnh nội dung không phù hợp. Điều này cho thấy tính phù hợp và an toàn thương hiệu không chỉ là vấn đề đạo đức truyền thông mà còn tác động trực tiếp đến hành vi mua hàng.
Các chuyên gia của DoubleVerify nhận định, các nền tảng quảng cáo thương mại đang ngày càng được ưa chuộng tại APAC, với trên 20% nhà tiếp thị ở Ấn Độ và Đông Nam Á cho biết sẽ tăng ngân sách cho kênh này trong năm tới.
Đối với Việt Nam - một thị trường vừa có chỉ số thu hút cao, vừa kiểm soát gian lận hiệu quả, việc đầu tư đúng định dạng, đúng nền tảng, đồng thời đảm bảo an toàn thương hiệu sẽ là chìa khóa để tối ưu hiệu quả chiến dịch và nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng.