Thứ tư, 06/09/2023, 10:45 (GMT+7)

Từ những vụ đột quỵ thương tâm, nên xử lý thế nào khi gặp người bệnh?

Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra các trường hợp đột quỵ dẫn đến tử vong thương tâm. Tìm hiểu thông tin về đột quỵ và cách xử lý khi phát hiện bệnh nhân có thể hữu ích cho bạn và người xung quanh.

Đột quỵ là gì?

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ Tp.HCM kiêm Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (Tp.HCM) cho biết, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

dot quy Tiepthigiadinh H1
Đột quỵ rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong

Đột quỵ não có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não.

Nhồi máu não chiếm khoảng trên 70% các trường hợp đột quỵ não, xuất hiện khi một cục máu đông gây tắc mạch não khiến cho một vùng não thiếu oxy. Nhồi máu não thường xảy ra trên bệnh nhân mạch máu bị hẹp, có thể do xơ vữa hoặc co thắt một cách đột ngột, hội chứng tăng đông hoặc bị bệnh van tim…

Xuất huyết não chiếm dưới 30% các trường hợp đột quỵ. Xuất huyết não xảy ra khi máu thoát ra khỏi lòng mạch tạo thành các mảng máu tụ chèn ép nhu mô não, tăng áp lực nội sọ. Bệnh nhân bị tăng huyết áp đột ngột hoặc co thắt mạch trên nền mạch máu đã bị xơ cứng không chịu được căng giãn quá mức. Khoảng dưới 5% bị vỡ các phình mạch gọi là bị xuất huyết dưới nhện.

Dấu hiệu nhận biết sớm của đột quỵ

Có thể nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ qua quy tắc "BE FAST":

  • B (Balance - Thăng bằng): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
  • E (Eyesight - Thị lực): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của một hoặc cả 2 mắt.
  • F (Face - Khuôn mặt): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
dot quy Tiepthigiadinh H2
Quy tắc "BE FAST"
  • A (Arm - Cánh tay): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng một lúc.
  • S (Speech - Giọng nói): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
  • T (Time - Thời gian): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Xử lý thế nào khi có người bị đột quỵ?

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), khi thấy người bên cạnh có những biểu hiện đột quỵ, cần thực hiện ngay các biện pháp sơ cứu sau:

  • Kiểm tra xem bệnh nhân còn thở không, mạch còn đập hay không? Nếu không thì cần khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực.
  • Kiểm tra xem có bị chấn thương, gãy các xương lớn hay chảy máu hay không? Nếu có thì băng bó hoặc cầm máu và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế, cơ sở điều trị đột quỵ gần nhất.
  • Bác sĩ cũng khuyến cáo không thực hiện các lời khuyên vô căn cứ trên mạng như: Chích máu, uống vài viên An cung… khiến cho bệnh nhân nguy hiểm hơn.
dot quy Tiepthigiadinh H3
Nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa người đột quỵ vào bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng lưu ý những điều không được làm với bệnh nhân đột quỵ:

  • Không tự ý cho người bệnh uống thuốc.
  • Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
  • Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện.
Cùng chuyên mục