Thứ ba, 05/09/2023, 16:33 (GMT+7)

Nguyên nhân nào nhiều học sinh ở Thanh Hóa bị bỏng trong lễ khai giảng sáng nay?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Vụ việc 10 học sinh tiểu học ở Thanh Hóa bị bỏng do nổ bóng bay đang được sự chú ý của đông đảo dư luận. Tại sao bóng bay nổ lại gây bỏng như vậy?

bi bong Tiepthigiadinh H1
Học sinh được đưa đi sơ cứu sau vụ nổ bóng bay

Sáng hôm nay ngày 5/9 trong lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Yên Phú, huyện Yên Định (Thanh Hóa), chùm bóng bay bất ngờ phát nổ khiến 10 học sinh bị bỏng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Phú Trịnh Hữu Tùng cho biết, 10 học sinh gồm 7 nữ  và 3 nam đã bị thương. Các học sinh bị bỏng chủ yếu ở phần cánh tay và mặt. Trong đó, 3 em bị nhẹ nên đã được về nhà sau khi bôi thuốc. 7 em còn lại được băng bó và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định.

Theo báo cáo của Trường tiểu học Yên Phú, sáng nay, nhà trường có treo 2 chùm bóng bay ở hai bên cánh gà sân khấu để trang trí. Khoảng 8h45 phút kết thúc lễ khai giảng, nhiều học sinh chạy lên khu vực sân khấu để lấy bóng bay. Một nam giới cầm thuốc lá trên tay đi qua sơ ý va quệt vào bóng làm bóng bay phát nổ.

bi bong Tiepthigiadinh H1
Một học sinh bị bỏng đang điều trị tại bệnh viện

Đây không phải lần đầu tiên bóng bay phát nổ khiến nhiều người bị bỏng. Đã có những vụ việc tương tự xảy ra khiến nạn nhân bị bỏng ở mặt, cổ, tay, khuôn mặt trợt đỏ, mùi khét lẹt do tóc và lông mi bị cháy... và gây sợ hãi cho nhiều người.

Giải thích về nguyên nhân bỏng bay phát nổ khi gặp nguồn nhiệt cao, Thạc sĩ, bác sĩ Dương Trung Hiếu, Khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, bỏng bay thường được bơm bằng khí hidro. Đây là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn nhiệt như: bóng đèn, lửa, đèn sưởi, tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy hoặc cọ xát nhiều giữa các quả trong một chùm bóng cũng có thể phát nổ. Ngoài ra, việc thay đổi môi trường như lấy bóng từ túi nylon ra, gặp không khí nóng, hoặc đi ra ngoài trời nắng, cho bóng vào phòng kín, ô tô... cũng có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến bóng bay nổ.

bi bong Tiepthigiadinh H3
Khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh

Khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, mù mắt, bỏng các bộ phận trên cơ thể... Vết bỏng do bóng bay bơm khí hydro phát nổ không sâu nhưng những vị trí dễ bị nạn như đầu, mặt, cổ, tai, hai bàn tay... nhưng sau điều trị có thể để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.

Sau vụ việc này, các trường học và người dân nên nâng cao cảnh giác và cẩn thận khi sử dụng bóng bay và cho trẻ chơi gần bóng bay để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Cùng chuyên mục