Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 05/09/2023, 09:47 (GMT+7)

23 triệu học sinh dự lễ khai giảng năm học 2023 - 2024

Từ sáng sớm, các bậc phụ huynh đã đưa con em đến trường, náo nức dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học 2023 - 2024.

Sáng nay (ngày 5/9), khoảng 23 triệu học sinh cả nước cùng khai giảng năm học mới. Các trường tổ chức đón học sinh đầu cấp từ 7 giờ. Lễ khai giảng tại các trường gồm các hoạt động như: đón học sinh đầu cấp; chào cờ Tổ quốc; hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường cùng một số hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn về việc tổ chức lễ khai giảng trang trọng mà gọn nhẹ, mang lại ý ý và tâm thế phấn khởi cho thầy trò bước vào năm học mới.

khai giang Tiepthigiadinh H1
Lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024 diễn ra trong không khí tưng bừng

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ tư triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên chương trình mới được triển khai ở các lớp 4, 8, 11. Tuy vậy, các nhà trường vẫn phải song song thực hiện cả hai chương trình (còn các lớp 5, 9, 12 tiếp tục học chương trình giáo dục 2006). Các nhà trường phải tiếp tục vượt qua khó khăn, bổ sung các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm triển khai chương trình mới hiệu quả, chất lượng hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, không chỉ triển khai chương trình mới trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học, năm học này, hoạt động đổi mới cần đi vào chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, hoạt động. Kèm theo đó là đòi hỏi chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện dạy học, giáo viên cần được hỗ trợ hơn nữa về phương pháp, kỹ năng… để bảo đảm có thể đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng đổi mới.

Năm học 2023 - 2024 cũng là năm triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục. Ngành Giáo dục tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Để thực hiện chủ đề cũng như các mục tiêu đặt ra, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành 12 nhiệm vụ của năm học 2023 – 2024 như sau:

1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.

2. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

4. Bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

5. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.

6. Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

7. Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

8. Hội nhập quốc tế trong giáo dục.

9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.

10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

11. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.

12. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Cùng chuyên mục