Bé gái 8 tuổi đột quỵ, cha mẹ chú ý đến các biểu hiện đột quỵ ở trẻ nhỏ
Ngày 5/5, một bé gái 8 tuổi ở Phú Thọ điều trị ở bệnh viện Nhi Trung Ương với chẩn đoán nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải. Trước đó, be vốn khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường.
Sau 9 ngày điều trị tại viện Nhi Trung ương, bé được chuyển về Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, tập phục hồi chức năng. Thời điểm này, bé còn méo miệng, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu, đi lại cần sự trợ giúp, không thể tự đánh răng, rửa mặt, buộc tóc. Bé cầm nắm đồ vật nhỏ rất khó, không thể viết chữ.
10 ngày sau khi tập vận động phục hồi thì bé hồi phục tốt, miệng hết méo, ăn uống không rơi vãi, có thể tự đi lại và dùng tay bên phải đánh răng, rửa mặt, tự mặc quần áo, viết được chữ to - ( Theo thông tin từ VNE)
Trường hợp bé 8 tuổi với tình trạng sức khỏe trước đột quỵ là bình thường đã cho thấy hiện tượng đột quỵ không chỉ xảy ra với người lớn. Tuy nhiên, khác với người lớn bị đột quỵ, các triệu chứng có thể dễ dàng nhận ra như: miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay.
Còn ở trẻ em, dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về. Một số dấu hiệu khác như trẻ đột ngột than đau đầu dữ dội hay quấy khóc liên tục kèm theo nôn ói, co giật mất ý thức, miệng méo lệch sang bên khi trẻ ăn, uống hay khóc. Trẻ cầm nắm không được như bình thường, đi lê một bên chân hay có những tiếng kêu lạ trong đầu, dễ bị tím tái khi gắng sức.
Trẻ dưới 6 tuổi, trẻ sơ sinh, đột quỵ rất khó nhận biết. Nhiều khi trẻ chỉ đau đầu, yếu nửa người nhẹ hoặc khó chịu quấy khóc, nhập viện điều trị mới phát hiện đột quỵ.
Cha mẹ cần chú ý đến các trạng thái bất thường của con, kịp thời đưa con đến bệnh viện để khám và chẩn đoán, hạn chế việc tự điều trị khi chưa rõ nguyên nhân, làm ảnh hưởng đến thời gian vàng để cứu con.