Luộc măng nên mở hay đóng vung nồi?
Các bà nội trợ thường truyền tai nhau rằng phải mở vung khi luộc măng? Có cần thiết không và tại sao phải làm như vậy?
Luộc măng có cần phải mở vung không?
Măng là thực phẩm được chế biến thành nhiều món ăn ngon trong ẩm thực Việt. Tuy nhiên, thực phẩm này vẫn được biết tới với nhiều độc tố. Theo bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, măng tươi chứa nhiều cyanide, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit cyahydric. Chất này gây chóng mặt, buồn nôn, thậm chí gây suy hô hấp, cơ thể tím tái… Một số nơi cũng tẩm chất tẩy trắng hoặc lưu huỳnh vào măng để có màu sắc đẹp và bảo quản được lâu.
Trong 1 kg măng chứa 230mg cyanide chất độc hại đủ khiến cho trẻ em và người lớn dễ dàng bị ngộ độc. Do đó, để giảm chất độc trong măng, cần ngâm và luộc kỹ măng. Việc mở vung khi luộc măng là cần thiết bởi sẽ giúp bay bớt chất độc.
Cách chọn mua măng an toàn
- Măng tươi: Nên chọn củ măng trắng, sạch không có mùi lạ, không bị đen gốc, không bị đốm lạ trên vỏ măng.
- Măng ngâm: Măng có màu vàng hoặc trắng bất thường là có xử lý qua chất phụ gia. Măng ngâm có phần nhũn mủn ra tức là ngâm đã quá lâu. Không nên mua các loại măng này.
- Măng khô: Nên chọn loại có màu vàng nhạt hổ phách, mùi thơm tự nhiên của mùi tre nứa. Măng có mùi khói khét và màu vàng đậm thường là măng sấy với lưu huỳnh, không nên mua.
Cách sơ chế măng đúng cách
Ngâm măng nhiều lần
Để loại bỏ lượng độc tố có trong măng, sau khi mua măng về, bạn cần rửa sạch rồi tiến hành ngâm nhiều lần. Thời gian ngâm từ 7-10 ngày và thay được nhiều lần nước ngâm thì càng tốt.
Có thể dùng nước gạo đặc ngâm măng sẽ giúp trung hòa chất độc hại tốt hơn là ngâm nước thường. Một cách nữa để khử độc cho măng là ngâm măng với nước kiềm cũng giúp măng sạch hơn.
Luộc măng nhiều lần
Sau khi ngâm măng, bạn cho vào nồi và luộc đi luộc lại 3-4 lần, mỗi lần để sôi trong khoảng 10-15 phút. Trong khi luộc, nhớ mở nắp để chất độc theo hơi nước thoát ra ngoài. Sau mỗi lần luộc, cần xả sạch với nước lạnh. Khi thấy măng mềm, bớt vị đắng thì dùng để chế biến món ăn.
Các chuyên gia khuyến cáo, măng tươi có độc tố nên tuyệt đối không được ăn sống. Với măng khô hay măng sấy, bạn cũng không nên bỏ qua việc luộc lại măng với nước sôi để đảm bảo an toàn.
Một số cách luộc măng nhanh, giúp loại bỏ vị đắng
Luộc măng với nước vo gạo
Măng tươi để nguyên cho vào nồi lớn, cho ớt tươi, nước vo gạo vào luộc đến khi mềm thì tắt bếp. Khi măng nguội hẳn, bạn vớt ra, lột vỏ và rửa sạch bằng nước lạnh.
Luộc măng cùng rau ngót
Bạn cho măng vào nồi luộc cùng với một nắm rau ngót. Khi thấy măng chín mềm thì vớt bỏ lá rau ngót và xả lại măng với nước lạnh một lần nữa rồi đem chế biến thành món ăn.
Luộc măng cùng ớt
Măng tươi nên để cả vỏ rồi xếp vào nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, đổ nước gạo vào gần ngập măng. Đun lửa vừa, khi măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, bạn vớt ra lột vỏ rồi xả lại vài lần bằng nước sạch. Măng sẽ không còn vị đắng, sau đó bạn có thể đem chế biến món ăn tùy thích.
- Cách luộc trứng cút lòng đào ngon, không tanh, dễ bóc vỏ
- Cách luộc lòng lợn ngon, không đắng không dai lại dễ làm
- Chỉ ăn đồ luộc để giảm cân có tốt không?
- Hà Nội ghi nhận số ca sốt xuất huyết giảm
- Tự điều trị đau bụng, người đàn ông bị vỡ ruột thừa
- Loại rau nào của Việt Nam được đánh giá 'tốt nhất thế giới' với 100 điểm tuyệt đối từ CDC Mỹ?
- Từ vụ mổ cấp cứu do ăn hồng ngâm, những ai không nên ăn loại quả này?
- Nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh tiểu đường mắc sốt xuất huyết
- Cha mẹ Hà Lan có bí quyết gì để nuôi dạy một đứa trẻ "nên người"?