Tự điều trị đau bụng, người đàn ông bị vỡ ruột thừa
Bệnh nhân đau bụng nhiều ngày nhưng không nhập viện mà tự điều trị tại nhà bằng cách cắt lễ và châm cứu, khi cấp cứu đã vỡ ruột thừa.
Vỡ ruột thừa do tự điều trị tại nhà
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông, đơn vị này vừa mổ cấp cứu cho một bệnh nhân bị viêm và vỡ ruột thừa do tự điều trị tại nhà bằng cách cắt lễ và châm cứu. Bệnh nhân nam là ông H.S.C. (48 tuổi, quê quán ở Lào Cai vào làm việc và tạm trú tại huyện Đăk Glong, Đắk Nông).
Trước đó, bệnh nhân bị đau bụng nhiều, bụng chướng to. Tuy nhiên, bệnh nhân không nhập viện mà tự điều trị tại nhà bằng cách cắt lễ và châm cứu. Sau hơn 5 ngày tự điều trị tại nhà, do quá đau đớn và suy kiệt sức khỏe, người nhà đưa bệnh nhân C. đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng dữ dội.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm và vỡ ruột thừa, có mủ nên đã tiến hành mổ cấp cứu. Quá trình mổ hở bóc tách cho thấy các quai ruột non của bệnh nhân còn bị viêm, phù nề, dính lại thành một khối, có nhiều mủ đục. Sau hơn 2 giờ cắt ruột thừa và lau rửa ổ bụng, truyền kháng sinh và dịch truyền giảm đau, ca phẫu thuật đã thành công.
Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, vận động được, vết mổ cũng đã khô. Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân, không nên tự điều trị đau bụng tại nhà nếu tình trạng đau bụng kéo dài. Khi ruột thừa bị nhiễm trùng hoặc bị tắc, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng.
5 dấu hiệu của bệnh đau ruột thừa
Đau ruột thừa là tình trạng cơn đau khó chịu xuất hiện ở vùng bụng dưới bên phải, xảy ra do một số nguyên nhân khác nhau, phổ biến như viêm, tắc nghẽn, khiến không gian lòng ruột bị thu hẹp. Vấn đề này có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh đau ruột thừa có 5 dấu hiệu sau:
1. Bụng xuất hiện cơn đau
Đau bụng là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất ở người bị viêm ruột thừa. Vị trí của cơn đau không cố định mà thay đổi tùy theo từng người bệnh. Cơn đau âm ỉ có thể ở vùng quanh rốn hoặc phía trên rốn rồi tăng dần sau 2-12 tiếng. Cảm giác đau tăng lên, cơn đau dần di chuyển xuống vị trí hố chậu bên phải. Cứ mỗi khi thay đổi tư thế, cơn đau lại quặn thắt. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau tại vùng lưng, hạ vị hoặc vị trí phía dưới sườn phải.
2. Thành bụng co cứng
Một trong những biểu hiện khác của đau ruột thừa mà người bệnh cần lưu ý là thành bụng bị co cứng.
3. Khó xì hơi, khó đại tiện hoặc tiêu chảy
Tình trạng viêm nhiễm khiến đường ruột không thể duy trì hoạt động tiêu hóa như bình thường. Người bị đau ruột thừa hay gặp phải triệu chứng khó xì hơi, khó đại tiện hoặc đi ngoài mất kiểm soát.
4. Chán ăn và nôn ói
Người bị đau ruột thừa thường chán ăn kèm biểu hiện nôn ói. Ban đầu chỉ là cảm giác ăn không ngon, nhưng càng về sau người bệnh lại càng không muốn ăn uống bất cứ thứ gì. Mỗi lần đưa đồ ăn lên miệng, người bệnh lại có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn ói. Biểu hiện nôn ói còn xuất hiện đồng thời cùng các cơn đau tại vùng bụng.
5. Sốt
Người bị viêm ruột thừa có thể bị sốt, thường là 38 độ C. Nếu có biến chứng viêm phúc mạc thì tình trạng nhiễm trùng nặng, gây triệu chứng sốt cao.
Lưu ý: Các triệu chứng đau ruột thừa thường có xu hướng xuất hiện không theo thứ tự, phụ thuộc vào diễn biến bệnh.
- Trẻ đau bụng, nôn trớ: Khi nào cần đưa đến bệnh viện
- Nguyên nhân làm cho bà bầu bị đau bụng trên từng cơn
- Đau bụng đi ngoài: Nguyên nhân và 10 mẹo chữa tự nhiên hiệu quả
- Loại rau nào của Việt Nam được đánh giá 'tốt nhất thế giới' với 100 điểm tuyệt đối từ CDC Mỹ?
- Từ vụ mổ cấp cứu do ăn hồng ngâm, những ai không nên ăn loại quả này?
- Nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh tiểu đường mắc sốt xuất huyết
- Chuyên gia chia sẻ 2 cách phát hiện ung thư
- Tình trạng đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, bác sĩ khuyến cáo gì?
- Những lợi ích tuyệt vời khi bạn ăn rau xà lách