Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 06/09/2023, 16:28 (GMT+7)

Trẻ đau bụng, nôn trớ: Khi nào cần đưa đến bệnh viện

Trẻ đau bụng, nôn trớ là triệu chứng thường gặp nhưng cũng có thể ẩn chứa nguy cơ của những chứng bệnh nguy hiểm, cần được đến bệnh viện để chữa trị kịp thời.

Nguyên nhân khiến trẻ đau bụng, nôn trớ là gì?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến trẻ em đau bụng, nôn trớ thường thấy là do một số nguyên nhân sau:

  • Viêm dạ dày – ruột cấp: Bởi virus như rotavirus, calicivirus, norovirus, adenovirus,.. Đối với nôn trớ dễ xuất hiện đột ngột, có thể do viêm dạ dày – ruột nhiễm khuẩn và hồi phục trong khoảng 24 giờ. Những triệu chứng khác như tiêu chảy, sốt hoặc đau bụng sẽ xuất hiện đồng thời hoặc sau từ 12 - 24 giờ.
  • Ngộ độc thực phẩm: Trẻ bị ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện cảm giác buồn nôn và nôn ngay. Một số trường hợp nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần hoặc phân lỏng có máu. Đồng thời, có thể bị sốt cao trên 38 độ C hoặc không.
tre-dau-bung 3
Trẻ đau bụng, nôn trớ thường do nhiều nguyên nhân như đau dạ dày, viêm ruột, ngộ độc,.. (Ảnh: Freepik)
  • Chế độ dinh dưỡng không phù hợp, dị ứng đồ ăn, nhiễm độc hay dùng thuốc quá liều cũng là nguyên nhân dễ gây tình trạng nôn trớ và đau bụng ở trẻ nhỏ.
  • Trẻ mắc phải bệnh lý cấp cứu ngoại khoa như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột… cần phải nhanh chóng phẫu thuật.

Khi nào nên đưa trẻ đau bụng, nôn trớ tới viện?

Theo chuyên gia, trẻ thường xuất hiện những cơn đau bụng quanh vùng rốn hay giữa bụng thoáng qua và sẽ khỏi không lâu sau đó. Tuy nhiên, với những trường hợp dưới đây, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để được xử lý kịp thời:

  • Trẻ bị đau ở dưới rốn, nghiêng về bên phải, đau lan xuống vùng bẹn kèm theo tiểu khó, đau kéo dài quá 24 giờ hoặc mức độ  trầm trọng hơn. Trong tình huống này, đau bụng dễ là triệu chứng của viêm ruột thừa hoặc những vấn đề nghiêm trọng khác.
tre-dau-bung 6
Phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu tình trạng bệnh trầm trọng, kéo dài (Ảnh: Freepik)
  • Trẻ nôn liên tục hoặc kéo dài trên 24 giờ, nôn ra mọi thứ vừa ăn uống xong. Dịch nôn có màu vàng hay xanh, xuất hiện máu đỏ tươi hoặc máu đông.
  • Trẻ đi ngoài có phân lỏng nhiều nước, nhiều lần, phân nhầy máu hoặc bị nhiều mất nước.

Cách chăm sóc cho trẻ bị đau bụng, nôn trớ tại nhà

Việc chăm sóc tại nhà khi trẻ bị đau bụng, nôn trớ đặc biệt quan trọng. Trong đó, phụ huynh cần lưu ý đến những điểm sau: 

  • Trấn an, vỗ về, cho trẻ nằm nghỉ. Theo dõi sát sao để phát hiện dấu hiệu bất thường và kịp thời xử lý
  • Không cho trẻ uống thuốc giảm đau. Bổ sung đủ nước, tốt nhất nên uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol). Nếu tình trạng này không được cải thiện, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để truyền dịch bù nước và điện giải.
tre-dau-bung 4
Chú trọng bù nước và điện giải khi trẻ đau bụng, nôn trớ (Ảnh: Freepik)
  • Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy. Bởi đây là hoạt động tự vệ tự nhiên của cơ thể để trục xuất tác nhân gây bệnh ra ngoài. Việc uống thuốc không phù hợp dễ dẫn đến giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian lưu lại của vi khuẩn, chất độc.
  • Nên chuẩn bị cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Trường hợp trẻ không còn nôn từ 12 - 24 tiếng sau đó, có thể cho trẻ ăn uống bình thường, song song với việc bù nước.
  • Khi trẻ có triệu chứng sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, nên sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như Efferalgan, Tylenol, Hapacol.
  • Không được phép sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
Cùng chuyên mục