Thứ ba, 31/10/2023, 09:13 (GMT+7)

Từ vụ mổ cấp cứu do ăn hồng ngâm, những ai không nên ăn loại quả này?

Huyền Vi (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Sau khi ăn quả hồng ngâm, một cô gái thường xuyên bị đau bụng âm ỉ, bí trung đại tiện, đến ngày thứ 10 thì đau bụng dữ dội phải đến bệnh viện cấp cứu.

Cấp cứu vì tắc ruột do ăn hồng ngâm

Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình vừa tiếp nhận bệnh nhân G.T.V.A (23 tuổi, ở Hoa Lư, Ninh Bình) vào viện với tình trạng đau chướng bụng, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện. Trước đó, bệnh nhân này đã ăn quả hồng ngâm, có biểu hiện đau bụng âm ỉ thượng vị, đến ngày thứ 10, đau bụng dữ dội từng cơn và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

hong ngam Tiepthigiadinh H1
Khối bã thức ăn được lấy ra từ dạ dày của bệnh nhân

Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết và chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn tại ruột non, dạ dày. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật mở bụng làm tan bã thức ăn ở ruột non đẩy xuống đại tràng kết hợp lấy bã tại dạ dày. Sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục ổn định, vết mổ liền khô, ít đau, tự đi lại, ăn uống được.

Theo các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, người bị tắc ruột do bã thức ăn cần phẫu thuật cấp cứu, chậm trễ có nguy cơ vỡ ruột, nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn điện giải, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Vì thế, khi có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường, người dân tuyệt đối không được chủ quan, tự ý mua thuốc uống mà cần đến cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán chính xác và có hướng can thiệp kịp thời.

Tắc ruột do bã thức ăn là gì?

Tắc ruột do bã thức ăn là hiện tượng xảy ra khi bệnh nhân bị một khối bã thức ăn (nguồn gốc thực vật, động vật, khối lông tóc hoặc khối hỗn hợp nhiều loại) hình thành ở dạ dày rồi di chuyển xuống làm tắc tại ruột non. Đa phần do người bệnh ăn phải những loại thực phẩm có nhiều chất tanin như: hồng ngâm, ổi, sung, hạt hoa quả… và các loại thực phẩm khó tiêu hóa, có nhiều chất bã xơ, sợi dai như: măng, mít, kẹo cao su… Tanin và chất xơ khi gặp môi trường axit trong dạ dày sẽ gây phản ứng kết tủa, vón lại thành khối bã rắn chắc.

Người bị tắc ruột do bã thức ăn thường có biểu hiện: đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện… Tắc ruột do bã thức ăn là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp tại các bệnh viện. Đa số các trường hợp người bệnh tắc ruột do bã thức ăn đều phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để làm tan khối bã thức ăn hoặc lấy ra ngoài.

Những ai không nên ăn hồng ngâm?

Quả hồng ngâm là trái cây được ưa chuộng tại Việt Nam vào mua thu với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bị tắc ruột do ăn hồng ngâm. Những trường hợp sau không nên ăn hồng ngâm:

Người bị dạ dày

Quả hồng có vị chát, ăn nhiều sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Nếu những khối kết tụ này không xuống được ruột non thông qua môn vị, nó lưu lại trong dạ dày khiến bệnh trầm trọng hơn.

Người bị tắc ruột

Người có tiền sử bị tắc ruột nếu ăn nhiều hồng quá có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.

Người bị tiêu chảy

Quả hồng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt khứ táo, có hại cho người bị tiêu chảy.

hong ngam Tiepthigiadinh H2
Hồng ngâm có nhiều tannin nên những người có bệnh tiêu hóa nên cẩn thận khi ăn

Người bị tiểu đường

Quả hồng có vị ngọt, chứa nhiều đường, nếu ăn nhiều ăn rất dễ bị hấp thụ, khiến đường huyết tăng lên. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người kém kiểm soát đường huyết là vô cùng có hại.

Người bị cảm lạnh

Quả hồng có tính hàn, không phù hợp với người bị cảm lạnh và suy nhược cơ thể.

Người thiếu máu

Hàm lượng tanin cao có thể gây ức chế quá trình hấp thu sắt của cơ thể nên người thiếu máu không được ăn hồng ngâm.

Người cao tuổi

Người già có đường tiêu hóa kém, thường xuyên bị táo bón nên người cao tuổi ăn dễ bị tắc ruột do khối bã kết tủa.

Lúc đói

Không nên ăn quá nhiều hồng lúc đói hoặc ăn chung với thực phẩm có nhiều chất đạm. Tránh nuốt trực tiếp các thức ăn cứng, dai vì có thể tạo thành nhân cho các thực phẩm khác kết dính vào.

Cùng chuyên mục