Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 11/07/2023, 13:37 (GMT+7)

Chỉ ăn đồ luộc để giảm cân có tốt không?

Luộc, hấp là cách chế biến lý tưởng giúp hạn chế tối đa dầu mỡ nạp vào cơ thể. Chỉ ăn đồ luộc mà không bổ sung chất béo có thực sự tốt cho sức khỏe không?

do luoc Tiepthigiadinh H1
Nhiều người ăn đồ luộc, hấp để giảm cân mà quên bổ sung chất béo có lợi cho cơ thể

Nhiều người khi giảm cân hoặc theo đuổi lối sống lành mạnh thường chỉ ăn đồ hấp, đồ luộc hoặc các loại thịt nạc không mỡ nhằm hạn chế calo nạp vào cơ thể, giúp bảo vệ sức khỏe, giảm cân, ngăn thừa cholesterol, mỡ máu… Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết quan điểm này là hoàn toàn sai lầm.

Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, chất béo là thành phần không thể thiếu cấu tạo nên màng tế bào, nhất là các tế bào thần kinh và nhiều hormone quan trọng. Chúng còn là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K cần thiết cho cơ thể. Vitamin A hỗ trợ tăng trưởng, miễn dịch, thị lực. Vitamin E chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa và hỗ trợ sinh sản. Vitamin K là yếu tố đông máu quan trọng, còn vitamin D giúp phát triển chiều cao, xương, răng chắc khỏe… Khi ăn quá ít chất béo hoặc thiếu chất béo lâu ngày, các vitamin này khó được hấp thụ, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau.

Một số hệ lụy khi chỉ ăn đồ luộc mà không cung cấp chất béo

Ảnh hưởng đến việc hấp thụ vitamin

Khi thiếu hụt chất béo, các vitamin A, D, E, K sẽ không hấp thụ được vào cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của các cơ quan khác nhau. Điều này có thể gây chậm tăng trưởng, thiếu dinh dưỡng, kém tập trung... ở trẻ em hoặc dễ bị đau nhức xương, thậm chí loãng xương, nhìn kém, giảm sức đề kháng… ở người lớn.

do luoc Tiepthigiadinh H2
Thiếu hụt chất béo có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Giảm sút tâm trạng

Nếu thiếu axit béo DHA, quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh sẽ bị chậm lại, ảnh hưởng đến việc suy nghĩ, phân tích của não bộ. Thiếu DHA cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp serotonin - một loại hormone điều chỉnh tâm trạng. Do đó, thiếu serotonin có thể dẫn đến tình trạng uể oải, chán nản, thậm chí trầm cảm.

Ảnh hưởng vẻ đẹp của da và tóc

Không đủ axit béo thiết yếu cũng dễ làm da khô ráp, sần sùi, kém mịn màng; da môi dễ bong tróc, nứt nẻ; tóc có xu hướng giòn yếu, dễ gãy rụng…

Rối loạn kinh nguyệt

Chất béo là một thành phần cần thiết trong quá trình tổng hợp estrogen và progesterone. Tiêu thụ không đủ lượng chất béo tối thiểu cơ thể cần có thể gây ra rối loạn hormone, ảnh hưởng đến kinh nguyệt ở phụ nữ.

Bổ sung chất béo thế nào để đủ dinh dưỡng mà vẫn giảm cân?

Thay vì loại bỏ hoàn toàn chất béo "một cách máy móc", bạn cần trang bị kiến thức để chủ động thay thế nguồn chất béo có hại thành chất béo có lợi thông qua thực phẩm. Trong bữa ăn của người trưởng thành cần 20 - 25% năng lượng từ chất béo. Trẻ càng nhỏ càng cần nhiều hơn, thậm chí lên tới 40 - 60% nếu dưới 6 tháng. Lưu ý, với trẻ nhỏ, tỉ lệ chất béo động vật không nên vượt quá 70% tổng số chất béo khẩu phần ăn.

do luoc Tiepthigiadinh H3
Đừng quên cung cấp omega-3 cho cơ thể từ các loại thực phẩm tốt

Chất béo tốt, có lợi cho sức khỏe có nhiều trong dầu olive, các loại dầu thực vật (gạo lứt, đậu nành, hướng dương...), quả bơ, các loại hạt, cá biển sâu (cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi...). Lưu ý khi chế biến dầu thực vật, không để nhiệt độ quá cao. Nếu đun lâu ở nhiệt độ cao, các axit béo không no sẽ bị oxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể, đồng thời tạo thành các sản phẩm trung gian có hại như peroxit, aldehyt… Cũng không nên tái sử dụng dầu đã rán ở nhiệt độ cao.

Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng nguồn chất béo có hại từ phủ tạng động vật, mỡ động vật. Loại bỏ ngay "lối sống công nghiệp" bằng cách hạn chế thức ăn nhanh, đồ đóng hộp…

Cùng chuyên mục