6 món gỏi hải sản dễ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng đáng sợ
Gỏi hải sản là một món ăn đặc sắc của nhiều vùng miền. Tuy vậy, do không được nấu chín, món ăn này dễ gây nhiễm khuẩn, ký sinh trùng có hại cho cơ thể.
Tại Việt Nam, gỏi hải sản sống từ nhiều loại cá, tôm, mực,.. là món khoái khẩu của không ít người. Chúng được xem là có hương vị tươi ngon, chứa nhiều dinh dưỡng.
Tuy nhiên khi sử dụng các món gỏi sống, người ăn có thể phải đối mặt với các nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn độc hại như giun Anisakis, sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ, vi khuẩn gây bệnh tả, lỵ, thương hàn,.. Những loài này đặc biệt xuất hiện nhiều ở hải sản sinh sống trong môi trường tự nhiên không được lọc nước, khử khuẩn.
Ngoài ra, việc nhiễm chất độc của nước thải công nghiệp cũng khiến thịt của cá, tôm cùng các loại hải sản khác có thể gây ngộ độc nặng khi ăn sống.
Những món gỏi hải sản dễ nhiễm ký sinh trùng
Gỏi cá sống
Cá là thực phẩm được chế biến thành gỏi sống nhiều nhất trong các loại hải sản. Những loại cá biển hay cá sông, hồ như: cá hồi, cá trích, cá chép, cá mè,.. Món ăn này được sử dụng nhiều ở các địa phương như: Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Phú Quốc... Đặc biệt là những vùng ven biển hay các dân tộc như Thái, Mông,.. ở vùng Tây Bắc.
Món gỏi có có nhiều cách ăn như tái chanh, ngâm tương, nộm,..
Gỏi mực nhảy
Mực là một trong những món hải sản khoái khẩu của nhiều người. Ngoài các cách chế biến thông thường như hấp, xào, nướng,.. gỏi mực được "giới sành ăn" gọi là "mỹ vị" cần phải thử ít nhất một lần.
Đặc biệt, mực nhảy Hà Tĩnh đặc biệt nổi tiếng về độ tươi, ngon. Mực tươi sống vừa đánh bắt lên sẽ được ăn trực tiếp bằng cách chấm nước nắm, xì dầu mà không cần qua nấu nướng, chế biến cầu kì.
Gỏi sứa tươi
Gỏi sứa tươi là món ăn khá thông dụng trong các bữa cơm gia đình hay tiệc tùng cùng bạn bè. Sứa sau khi lấy lên từ biển sẽ được ngâm sạch, thêm gia vị cùng rau củ bào rồi trộn đều và ăn trực tiếp. Những món gỏi sứa xoài, sứa tai heo, ba chỉ,.. luôn hấp dẫn nhiều người vì có gia vị nêm nếm đậm đà, dễ ăn.
Tuy là món ăn thơm ngon nhưng gỏi sứa vẫn cần phải cẩn thận trước khi sử dụng bởi những phản ứng dị ứng, vi khuẩn hay hàm lượng nhôm cao (khi chế biến thường dùng phèn) có thể gây hại đến sức khỏe.
Hàu sống
Hàu sống không chỉ là món ăn phổ biến ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nó có thể được ăn trực tiếp bằng cách tái chanh hoặc chấm mù tạt.
Hàu mang lại lượng dinh dưỡng tương đối lớn cho cơ thể, gồm chất đạm, vitamin, kẽm,.. Tuy vậy, hãy cẩn thận vì chúng cũng mang theo vi khuẩn họ Vibrio gây bệnh tả.
Nhím biển (cầu gai, nhum) sống
Đặc sản của những vùng ven biển là các món hải sản sống và nhím biển là một trong số đó. Sau khi bắt lên bờ, họ sẽ tiến hành cắt bỏ phần gai nhọn xung quanh vỏ rồi dùng dao chẻ đôi, loại hết bộ lòng bên trong. Cuối cùng, phần thịt màu ngả vàng, mịn bám dọc thành cầu được xúc ăn trực tiếp hoặc kèm với mù tạt, chanh,.. để tăng hương vị.
Sushi và sashimi
Món sushi, sashimi có nguồn gốc từ đất nước Nhật Bản. Những loại hải sản sống được sử dụng cho món ăn này bao gồm: cá hồi, cá ngừ, cá trích, mực, bạch tuộc, lươn biển,..
Những miếng hải sản được thái lát mỏng, dùng không hoặc cuộn cùng cơm, trứng, chấm với nước tương và mù tạt khiến không ít người phải "si mê".
Một số bệnh ký sinh trùng có thể xuất hiện khi ăn gỏi sống
Theo chuyên gia, có nhiều bệnh ký sinh trùng mà con người có thể gặp phải khi ăn gỏi hản sản sống, bao gồm:
Sán lá phổi có nhiều trong gỏi hải sản
Khi ăn những loại tôm, cua sống có chứa ấu trùng sán lá phổi, ấu trùng sẽ vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hoá vào ổ bụng. Tại đây, chúng tiếp tục xuyên qua cơ hoành cùng màng phổi rồi vào nhu mô phổi và làm tổ. Một số ít trong chúng còn có thể cư trú tại các cơ quan như tim, não, gan, thận, phúc mạc, ruột hay ở dưới da,..
Trong quá trình sán lá phổi xâm nhập và di chuyển trong cơ thể, người bệnh sẽ bị tiêu chảy, đau bụng, sốt, ho, mày đay, gan lách to, gây bất thường ở phổi và tăng bạch cầu ái toan.
Sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ
Sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ cũng có thể xâm nhập cơ thể người do ăn phải nguồn hải sản sống chứa mầm bệnh. Các ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành sau đó ký sinh và gây bệnh ở đường mật.
Khi mắc sán lá gan nhỏ, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, chán ăn, phát ban toàn thân, nổi mẩn hoặc có thể bị sạm, vàng da kèm theo thiếu máu. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người mắc sẽ có dấu hiệu gan to, xơ gan tùy theo mức độ; ống mật bị giãn, thành ống mật và thành túi mật dày.
Thời gian từ khi ấu trùng sán lá gan nhỏ xâm nhập đến khi sán trưởng thành thường nhiều triệu chứng bệnh trong khoảng 3 - 4 tuần.
Đối với bệnh sán lá ruột nhỏ, một số họ Heterophyidae và Echinostomatidae có nguy cơ gây bệnh cao nhất. Chúng thường ký sinh ở ruột non và gây ra tiêu chảy mãn tính, buồn nôn, đau bụng,.. Nặng hơn, loại sán này có thể xâm nhập vào não, tim hay tủy sống, gây thuyên tắc mạch, đe dọa đến tính mạng.
Giun Anisakis simplex
Giun Anisakis simplex thường xâm nhập bởi các loài cá, mực và giáp xác là trung gian truyền bệnh. Khi sinh sống tại các loài trung gian này, ấu trùng không thể phát triển hoàn thiện nên chúng sẽ tìm kiếm vật chủ mới to lớn hơn như hải cẩu, cá heo, cá voi,.. để ký sinh.
Đối với cơ thể người, khi sử dụng nguồn hải sản sống trên cũng có thể nhiễm loài giun ký sinh này. Các triệu chứng của bệnh Anisakiasis gồm: đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều. Với một số trường hợp khác, các kháng nguyên có trong nó cùng dễ gây phản ứng dị ứng và quá mẫn.
Nhiễm khuẩn
Trong cá sống có nhiều vi khuẩn gây hại như Listeria, Vibrio, Clostridium và Salmonella. Khi không may gặp phải, cơ thể dễ có các phản ứng gồm đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Những nhóm đối tượng là người có hệ thống miễn dịch yếu (người già, trẻ nhỏ,..) thường dễ bị nhiễm trùng hơn, bởi vậy nên tránh các loại thịt và cá sống. Bên cạnh đó, khuyến cáo này cũng có tác dụng với phụ nữ đang mang thai. Nếu không may nhiễm khuẩn Listeria, thai nhi có thể bị tử vong.
Hải sản sống có thể ô nhiễm chất độc cao
Hiện tại, các nguồn nước từ sông, biển hay ao, hồ đều có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp. Nếu hấp thu nhiều các chất độc này, cơ thể sẽ dễ mắc các bệnh mạn tính, đặc biệt là ung thư.
Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, không nên sử dụng trực tiếp các gỏi hải sản sống hoặc tái mà không được nấu chín kỹ. Các phương pháp truyền thống thường được sử dụng như ngâm nước cốt chanh, giấm hay sử dụng kèm rượu mạnh đều không có tác diệt được giun, sán.
- Món ăn thuộc top 10 hải sản ngon nhất Việt Nam gây thương nhớ mọi du khách
- Người đau nhức xương khớp cần tránh xa 5 loại thực phẩm này
- 7 loại thực phẩm không dành cho người cao huyết áp
- Món ăn thuộc top 10 hải sản ngon nhất Việt Nam gây thương nhớ mọi du khách
- 7 loại thực phẩm không dành cho người cao huyết áp
- 11 loại thực phẩm giúp phòng chống ung thư vú hiệu quả
- 9 thực phẩm giúp con bạn trở nên thông minh hơn
- Những thực phẩm trẻ không nên ăn khi bị tay chân miệng
- Đừng rửa nước 5 loại thực phẩm này trước khi chế biến