Nên tẩy giun mấy lần 1 năm để đạt hiệu quả tốt nhất?
Nhiễm giun sán thuộc nhóm bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải. Mọi người cần chủ động biết cách sử dụng thuốc tẩy giun để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Tại sao phải tẩy giun?
Ăn phải trứng giun từ những thức ăn ô nhiễm, qua rau sống, nước uống và việc vệ sinh bàn tay không đúng cách hoặc không đảm bảo giữ vệ sinh tay sạch sẽ... khiến chúng ta bị nhiễm giun sán. Nhiễm các loại giun sán thường có biểu hiện như chán ăn, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, bụng chướng, xuất huyết tiêu hóa, viêm nhiễm đường ruột… Một số trường hợp tiến triển nặng các búi giun có thể gây tắc nghẽn, cản trở lưu thông trong đường ruột mà nếu không được xử trí kịp thời thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như tử vong.
Đa phần những người sống ở khu vực thành phố sẽ dễ nhiễm giun đũa, còn ở nông thôn là giun móc. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tẩy giun là biện pháp dự phòng quan trọng, đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao bên cạnh các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân. Thuốc tẩy giun được đánh giá tương đối an toàn và là loại thuốc không phải kê đơn, dễ sử dụng.
Tần suất tẩy giun hợp lý
Số lần tẩy giun trong 1 năm tùy thuộc vào từng đối tượng:
Trẻ em
- Khuyến cáo tẩy giun 1 lần/năm hoặc 2 lần/năm cho tất cả trẻ em từ 12-23 tháng, trẻ tiền học đường từ 1-4 tuổi, trẻ học đường từ 5-12 tuổi (có thể tới 14 tuổi) ở vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán ở trẻ em lớn hơn 20%.
- Tần suất 2 lần/năm được khuyến cáo cho các vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán trẻ em lớn hơn 50%.
- Liều cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là Albendazole 200mg/lần. Liều khuyến cáo cho các đối tượng khác là Albendazole (Zentel) 400mg/lần và Mebendazole (Fugacar) 500mg/lần. Cha mẹ nên tham khảo ý khiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.
Nữ giới tuổi thanh viên không mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
- Khuyến cáo tẩy giun 1 lần/năm hoặc 2 lần/năm cho tất cả nữ giới tuổi thanh niên không mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán trong nhóm đối tượng trên lớn hơn 20%.
- Tần suất 2 lần/năm được khuyến cáo cho các vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán nữ giới tuổi thanh niên không mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lớn hơn 50%.
- Liều khuyến cáo là Albendazole 400mg/lần và Mebendazole 500mg/lần.
Phụ nữ mang thai
- Khuyến cáo tẩy giun liều duy nhất cho phụ nữ mang thai sau quý 1 của thai kỳ tại vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc T.trichiura (giun tóc) lớn hơn 20% hoặc tại vùng có tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai lớn hơn 20%.
- Liều khuyến cáo là liều duy nhất Albendazole 400mg và Mebedazole 500mg. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Các đối tượng khác
- Khuyến cáo tẩy giun hàng năm hoặc 2 năm 1 lần.
- Liều khuyến cáo là liều duy nhất Albendazole 400mg và Mebendazole 500mg.
Chống chỉ định của tẩy giun cho các đối tượng sau:
- Người đang mắc các bệnh cấp tính, sốt trên 38,5°C
- Có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc tẩy giun
- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
Lưu ý khi uống thuốc tẩy giun
- Có thể sử dụng thuốc tẩy giun vào mọi lúc trong ngày mà không cần phải nhịn đói hay dùng thuốc xổ.
- Phần lớn các thuốc tẩy giun hiện nay nên sử dụng theo định kỳ 6 tháng/lần đối với trẻ trên 2 tuổi. Nếu trẻ dưới 2 tuổi, nếu nghi ngờ trẻ đang nhiễm giun sán hãy cho trẻ đi khám làm những xét nghiệm cần thiết để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Ngoài Albendazole thì phần lớn các loại thuốc tẩy giun sẽ không tác dụng lên dạng trứng và ấu trùng. Do vậy, nên uống thêm 1 liều để tăng hiệu quả tẩy giun sau 2 - 4 tuần.
- Nếu không thấy những triệu chứng thuyên giảm sau khi đã dùng thuốc tẩy giun thì nên đi khám ngay để được theo dõi và điều trị đúng đắn.
- Sau khi uống thuốc tẩy giun nếu xuất hiên các triệu chứng bất thường như buồn nôn, ngứa, da xanh xao… Bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.
- 5 điều cha mẹ cần lưu ý khi tẩy giun tại nhà cho con
- Điểm mặt loạt món ăn nhiều người thích nhưng có nguy cơ nhiễm giun sán
- Việt Nam tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, phòng chống dịch bệnh lây lan