Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 19/08/2023, 08:36 (GMT+7)

5 điều cha mẹ cần lưu ý khi tẩy giun tại nhà cho con

Tẩy giun là một biện pháp phòng và chữa bệnh nên cần áp dụng định kỳ. Không để đến khi trẻ có triệu chứng bệnh mới bắt đầu thực hiện.

1. Nhiễm giun gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Nhiễm giun là một trong những bệnh phổ biến nhất ở cơ thể người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có khoảng 24% dân số trên thế giới mắc bệnh này.

Nhiễm giun trong giai đoạn đầu có thể không nguy hiểm nhưng về lâu dài nếu không được điều trị, nguy cơ tạo ra u nang hay các rối loạn khác sẽ diễn ra. Trẻ em khi bị bệnh sẽ thiếu máu, vi chất, suy dinh dưỡng, mắc bệnh gan, mật,.. Nếu bị nhiễm mạn tính thường còi cọc, chậm phát triển, thiếu tập trung,..

Screenshot 2023-08-18 161405
Trẻ bị nhiễm giun mạn tính thường còi cọc, chậm phát triển, thiếu tập trung,.. (Ảnh: Freepik)

Hiện tại, có đa dạng các loại giun ký sinh nhưng phổ biến nhất là giun đũa (dài khoảng 25 cm, sống trong ruột); gium kim, giun chỉ (dài khoảng từ 2 - 13mm). Hoạt động chủ yếu vào ban đêm, chúng chui ra khỏi hậu môn rồi đẻ trứng ở bên ngoài, gây ngứa.

Khi gãi, trứng giun có thể chui vào móng tay, lây lan hoặc tái nhiễm nếu tay bốc thức ăn mà không được vệ sinh sạch. Đối với các bé gái, giun dễ dàng xâm nhập vào âm đạo, gây tiết dịch ở một số trường hợp.

2. Những dấu hiệu của việc trẻ bị nhiễm giun

Thông thường, việc bị nhiễm giun sẽ khó phát hiện, tuy nhiên, bố mẹ có thể theo dõi các dấu hiệu của trẻ như: 

  • Trẻ bị đau bụng vùng rốn, bụng ỏng. Đau bụng do giun thường tái diễn nhiều lần.
  • Có thể nôn hoặc đi đại tiện ra giun
  • Khó ngủ, thường đái dầm, hay quấy khóc do ngứa hậu môn vào ban đêm
  • Rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc lúc lỏng. Có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn hoặc trong phân.
  • Biếng ăn, gầy yếu
  • Khó chịu, có những thay đổi trong hoạt động hàng ngày
  • Những bé gái có thể bị mẩn đỏ, ngứa xung quanh vùng âm đạo
  • Có những biểu hiện của việc thiếu hụt vitamin, thiếu máu và khoáng chất
  • Một số trường hợp có máu trong phân
  • Xét nghiệm có trứng hoặc hình ảnh giun
tay-giun
Trẻ nhiễm giun thường kèm theo các dấu hiệu đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khó ngủ,.. (Ảnh: Freepik)

3. Nên tẩy giun cho trẻ khi nào?

Theo WHO khuyến nghị, tẩy giun nên được thực hiện định kỳ đối với tất cả trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi. Trẻ thường nhiễm giun đường ruột phổ biến tại thời điểm này. Đặc biệt, trong độ tuổi bắt đầu đi học từ 2 - 5 tuổi, cần phải được tẩy giun định kỳ.

Tần suất tẩy giun sẽ tùy thuộc mỗi khu vực mà sử dụng từ 2 lần/năm. 

Từ năm 2018, Bộ Y tế đã cập nhật cho phép trẻ từ dưới 2 tuổi có thể sử dụng thuốc tẩy giun. Cụ thể, Quyết định 6437/QĐ-BYT năm 2018 của Bộ Y Tế đề nghị tẩy giun cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

4. Những loại thuốc tẩy giun phổ biến và các lưu ý khi sử dụng cho trẻ 

Các loại thuốc tẩy giun cho trẻ

Hiện nay, thị trường có đa dạng các loại thuốc tẩy giun. Tuy nhiên, trẻ em chỉ nên sử dụng albendazol, mebendazol, pyrantel embonate và levamisole. Trong đó, ở Việt Nam có mebendazol và albendazol là 2 loại thuốc phổ biến.

  • Mebendazol: Được bán với nhiều nhãn hiệu như fugacar, mebendazol,..

Hoạt động bằng phương pháp ức chế, ngăn cản quá trình hấp thu dinh dưỡng của các loại giun. Thuốc được chỉ định điều trị các loại giun đũa, giun móc, giun kim,..

  • Albendazol: Được bán dưới dạng viên nén với các nhãn hiệu như Zentel, azoltel, pyme Abz,..

Hoạt động bằng phương pháp ngăn giun hấp thụ đường (glucose) để làm chúng bị mất năng lượng dần và chết. Thuốc được chỉ định điều trị các loại giun đũa, giun móc, giun kim,..

Các loại thuốc tẩy giun thường có độ an toàn cao và ít tác dụng phụ. Bởi vậy bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng tại nhà mà không cần can thiệp y tế.

tay-giun 2
Các loại thuốc tẩy giun có độ an toàn cao và ít tác dụng phụ (Ảnh: Freepik)

Liều lượng và cách dùng thuốc tẩy giun

Khi cho trẻ dùng thuốc tẩy giun, bố mẹ cần lưu ý đến liều lượng phù hợp:

- Trẻ từ 12 đến dưới 24 tháng tuổi: albendazole 200mg hoặc mebendazole 500mg liều duy nhất.

- Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400mg hoặc mebendazole 500mg liều duy nhất.

Phụ huynh có thể cho trẻ uống trong ngày ở bất kì thời điểm nào, không cần phụ thuộc vào bữa ăn. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc nhai, nuốt, hãy nghiền nhỏ thuốc cùng nước lọc rồi cho uống. 

Chống chỉ định của thuốc tẩy giun

Thuốc tẩy giun tuy ít tác dụng phụ nhưng vẫn chống chỉ định đối với các trường hợp dưới đây:

- Người đang mắc bệnh cấp tính, đang bị sốt (>38,5° C).

- Người mắc một số bệnh mạn tính như: suy tim, thận, gan hay hen cấp

- Người bị dị ứng với các thành phần của thuốc

- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú và trẻ dưới 12 tháng tuổi

5. Làm gì để hạn chế trẻ bị nhiễm giun

  • Vệ sinh tay chân sạch sẽ

Theo các chuyên gia, cách phòng ngừa giun hiệu quả và đơn giản nhất là vệ sinh tay chân sạch sẽ. Bởi vậy, cần xây dựng cho trẻ thói quen này trước mỗi bữa ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc vừa từ bên ngoài trở về nhà. Đặc biệt, sau mỗi lần vui chơi, hoạt động, trẻ cần rửa sạch tay để hạn chế chất bẩn và giun sán. 

tay-giun 3
Cần vệ sinh tay chân cho trẻ sạch sẽ hằng ngày (Ảnh: Freepik)
  • Rửa sạch, chế biến kỹ thực phẩm

Các loại trái cây, rau củ cần rửa sạch trước khi sử dụng. Đối với các loại thịt, hải sản cần chế biến sạch, nấu chín kỹ trước khi ăn.

  • Vệ sinh đồ chơi và nhà cửa sạch sẽ

Đồ chơi là một trong những vật dụng được trẻ sử dụng hằng ngày. Nếu không vệ sinh sạch, chúng dễ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, giun sán phát triển và xâm nhập qua đường miệng.

Bên cạnh đó, việc làm sạch không gian nhà cửa, đặc biệt là nhà vệ sinh cũng giúp hạn chế sự phát triển của các loài vi khuẩn, giun sán.

  • Thường xuyên cắt móng tay, rửa hậu môn cho trẻ

Bố mẹ cần thường xuyên cắt, vệ sinh móng tay và rửa hậu môn bằng xà phòng sau mỗi lần trẻ đi đại tiện và không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi.

tay-giun 4
Bố mẹ cần thường xuyên cắt, vệ sinh móng tay cho trẻ (Ảnh: Freepik)
  • Tẩy giun định kỳ

Việc tẩy giun định kỳ cho trẻ đặc biệt quan trọng. Bởi dù có vệ sinh tay chân kỹ càng thì vẫn rất dễ bị nhiễm giun sán khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài thông qua các hoạt động học tập, vui chơi. 

Ngoài ra, nhiễm giun dễ dàng lây lan nên cần phải tẩy giun cho tất cả các thành viên trong gia đình, bao gồm cả vật nuôi 6 tháng/lần.

Cùng chuyên mục