Thứ ba, 20/05/2025
logo
Tiêu điểm

Bộ Y tế tăng cường lấy mẫu, truy vết kem chống nắng ghi sai chỉ số SPF

Thanh Hoa Thứ ba, 20/05/2025, 14:52 (GMT+7)

Bộ Y tế chỉ đạo yêu cầu các sở y tế trên toàn quốc khẩn trương tăng cường kiểm tra, giám sát và lấy mẫu sản phẩm để xác định chính xác chỉ số SPF.

Bộ Y tế vào cuộc vụ sản phẩm Nestlé Milo “gắn mác” Viện Dinh dưỡng: Sự thật đằng sau dòng chữ gây tranh cãi

Trước khi bị phạt 200 triệu vì quảng cáo gây nhầm lẫn về sản phẩm, Công ty Nhất Nhất từng vướng ‘lùm xùm’ nào?

Từ vụ hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố đến người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Ranh giới giữa vi phạm dân sự và hình sự là gì?

Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường mỹ phẩm chống nắng

Cụ thể, Cục Quản lý Dược – đơn vị trực thuộc Bộ Y tế vừa ban hành văn bản gửi tới các sở y tế và các doanh nghiệp sản xuất, phân phối mỹ phẩm. Văn bản này nhấn mạnh yêu cầu cấp bách về việc tăng cường công tác quản lý đối với nhóm sản phẩm kem chống nắng, trong đó trọng tâm là việc kiểm tra tính chính xác của chỉ số SPF như đã công bố.

Theo nội dung văn bản, các sở y tế phải nhanh chóng rà soát toàn bộ hồ sơ công bố sản phẩm có ghi tính năng chống nắng. Những phiếu công bố không đáp ứng quy định hiện hành sẽ bị thu hồi. Đồng thời, các cơ quan chức năng tại địa phương cần kiểm tra kỹ lưỡng việc ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm và chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm lấy mẫu sản phẩm lưu hành trên thị trường để kiểm tra chỉ số SPF – chỉ số đo lường khả năng ngăn tia UVB, nguyên nhân chính gây cháy nắng và tổn thương da.

Nếu phát hiện sản phẩm vi phạm, đặc biệt là việc chỉ số SPF ghi trên nhãn không khớp với kết quả kiểm nghiệm, các sở y tế phải khẩn trương báo cáo về Cục Quản lý Dược để tiến hành thu hồi, tiêu hủy và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

kem-chong-nang-co-chi-so-spf-cang-cao-thi-cang-tot-1437

Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường mỹ phẩm chống nắng (Ảnh: Sưu tầm)

Doanh nghiệp phải chủ động rà soát và minh bạch thông tin

Song song với chỉ đạo các sở y tế, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và phân phối mỹ phẩm có trách nhiệm chủ động kiểm tra lại hồ sơ công bố, thông tin sản phẩm và kết quả thử nghiệm chỉ số SPF. Các dữ liệu này phải đầy đủ, chính xác và sẵn sàng cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Nội dung nhãn sản phẩm, bao gồm công dụng chống nắng và chỉ số SPF cần được kiểm tra lại để đảm bảo thống nhất với thông tin trong hồ sơ công bố và tuân thủ hướng dẫn ghi nhãn của ASEAN. Việc ghi nhãn sai lệch, không minh bạch không chỉ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và tiềm ẩn rủi ro pháp lý nghiêm trọng.

Hồi chuông cảnh báo từ vụ thu hồi kem chống nắng Hanayuki

Chỉ đạo lần này từ Bộ Y tế được đưa ra không lâu sau khi Cục Quản lý Dược công bố quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn quốc sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, tuýp 100 gram, sản xuất ngày 6/1/2025. Theo đó, chỉ số SPF được công bố là 50 – một mức cao, thể hiện khả năng chống nắng mạnh. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm độc lập lại cho thấy sản phẩm chỉ đạt SPF 2,4, tức là hiệu quả bảo vệ da gần như không đáng kể.

Sản phẩm này do Công ty TNHH EBC Group, trực thuộc Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai, sản xuất và được phân phối bởi Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group, có trụ sở tại TP.HCM. Sai lệch nghiêm trọng giữa nhãn và thực tế kiểm nghiệm đã buộc cơ quan chức năng phải thu hồi khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Việc Bộ Y tế tăng cường kiểm tra và thu hồi những sản phẩm sai lệch là bước đi cần thiết và kịp thời nhằm lập lại trật tự trên thị trường mỹ phẩm chống nắng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng một cách toàn diện, cần sự vào cuộc từ nhiều phía: cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất – phân phối và chính người tiêu dùng.

Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm rõ nguồn gốc, có thông tin minh bạch và được kiểm định bởi các cơ quan uy tín. Doanh nghiệp cần đặt lợi ích và sự an toàn của khách hàng lên hàng đầu, thay vì chạy theo doanh số bằng cách “thổi phồng” công dụng sản phẩm.

SPF – viết tắt của Sun Protection Factor – là chỉ số phản ánh khả năng bảo vệ da khỏi tác động của tia UVB, tác nhân gây cháy nắng và tổn thương tế bào da. Ví dụ, nếu một người bình thường tiếp xúc với nắng khoảng 10 phút sẽ bắt đầu bị cháy nắng, thì khi sử dụng kem chống nắng có SPF 30, thời gian được bảo vệ sẽ kéo dài gấp 30 lần, tức khoảng 300 phút.

Hiện nay, các sản phẩm kem chống nắng trên thị trường có chỉ số SPF dao động từ 15 đến 100, trong đó SPF từ 30 trở lên được xem là hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc công bố sai lệch chỉ số này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng tia UV cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục