Thứ ba, 20/05/2025
logo
Góc nhìn

Bộ Y tế vào cuộc vụ sản phẩm Nestlé Milo “gắn mác” Viện Dinh dưỡng: Sự thật đằng sau dòng chữ gây tranh cãi

Thanh Hoa Thứ ba, 20/05/2025, 09:37 (GMT+7)

Vụ việc của Nestlé Milo không chỉ đặt dấu hỏi về tính minh bạch trong truyền thông sản phẩm mà còn làm dấy lên lo ngại về cách thương hiệu sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học.

Trade Marketing ngành Dược: Cuộc chơi dữ liệu, niềm tin và khả năng bẻ khóa điểm bán

Trước khi bị phạt 200 triệu vì quảng cáo gây nhầm lẫn về sản phẩm, Công ty Nhất Nhất từng vướng ‘lùm xùm’ nào?

Từ vụ hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố đến người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Ranh giới giữa vi phạm dân sự và hình sự là gì?

“Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”: Quảng cáo hay lạm dụng danh nghĩa?

Trên bao bì sản phẩm Milo uống liền, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp dòng quảng cáo nổi bật: “Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng". Một dòng chữ tưởng như bình thường trên bao bì hộp sữa Nestlé Milo đang khiến cộng đồng xôn xao và khiến Bộ Y tế phải chính thức vào cuộc.

Bởi lẽ, Viện Dinh dưỡng là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, có chức năng chuyên môn sâu về lĩnh vực dinh dưỡng, và mọi kết quả nghiên cứu khoa học do Viện thực hiện đều có tính nghiêm túc, khách quan. Việc trích dẫn kết quả nghiên cứu trên bao bì sản phẩm có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng sản phẩm đã được cơ quan y tế cấp phép hoặc khẳng định hiệu quả vượt trội.

Trước làn sóng tranh luận, ngày 19/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chính thức phát công văn gửi Viện Dinh dưỡng và Sở Y tế Đồng Nai – nơi đặt nhà máy của Nestlé Việt Nam – yêu cầu kiểm tra, xác minh tính chính xác của nội dung quảng cáo liên quan đến sản phẩm Milo.

thung-48-hop-thuc-uong-lua-mach-milo-active-go-180ml-202407091604284120-0903
Dòng quảng cáo nổi bật trên bao bì sản phẩm Milo (Ảnh: Sưu tầm)

Kết quả nghiên cứu chỉ đạt một phần nhưng quảng cáo lại nói khác?

Theo giải trình từ Viện Dinh dưỡng, trong giai đoạn 2022–2023, Viện đã phối hợp với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu: “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình".

Kết quả cho thấy: Sau 3 tháng nghiên cứu, sản phẩm có góp phần cải thiện các thành tố trong thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ dẻo và khả năng phối hợp vận động. Tuy nhiên, không ghi nhận được hiệu quả rõ rệt về tình trạng dinh dưỡng và trí lực của học sinh – hai mục tiêu quan trọng khác trong nghiên cứu.

Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm chỉ đạt được một phần trong các tiêu chí đánh giá ban đầu. Tuy nhiên, việc quảng bá chung chung rằng “đã được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” có thể dẫn đến hiểu nhầm rằng sản phẩm đã vượt qua tất cả các kiểm nghiệm và được “bảo chứng” toàn diện từ cơ quan y tế.

Viện Dinh dưỡng yêu cầu Nestlé rà soát và chấn chỉnh truyền thông

Ngay sau khi phát hiện thông tin quảng cáo gây hiểu nhầm, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Nestlé Việt Nam rà soát tất cả nội dung truyền thông, quảng bá sản phẩm Milo, đặc biệt là những nội dung đề cập đến tên của Viện. Bất kỳ thông tin nào sử dụng không đúng mục đích hoặc không chính xác đều phải được gỡ bỏ ngay lập tức.

thung-48-hop-thuc-uong-lua-mach-milo-active-go-180ml-202407091604267447-0903
Viện Dinh dưỡng đã có văn bản yêu cầu Nestlé Việt Nam rà soát tất cả nội dung truyền thông, quảng bá sản phẩm Milo (Ảnh: Sưu tầm)

Phản hồi lại yêu cầu này, đại diện Nestlé Việt Nam cho biết: công ty truyền thông kết quả nghiên cứu dựa trên nội dung được thực hiện cùng Viện Dinh dưỡng và khẳng định mọi hoạt động đều tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn đang được Cục An toàn thực phẩm theo dõi sát sao, đồng thời yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai vào cuộc kiểm tra thực địa để đánh giá rõ mức độ sai phạm – nếu có.

Sự việc lần này là lời cảnh tỉnh không chỉ dành cho Nestlé mà còn cho nhiều doanh nghiệp thực phẩm khác. Trong cuộc đua truyền thông, việc lạm dụng các thuật ngữ khoa học hoặc danh tiếng của các cơ quan nghiên cứu uy tín để quảng cáo có thể làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Một dòng chữ nhỏ, nếu không được trình bày đúng ngữ cảnh, có thể gây hiểu lầm lớn – đặc biệt khi đi kèm với logo, màu sắc và cách trình bày khiến người tiêu dùng dễ liên tưởng tới sự bảo chứng chính thức của cơ quan nhà nước.

Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Y tế khẳng định sẽ công khai kết quả khi có kết luận chính thức.

Trong khi chờ đợi thông tin từ cơ quan chức năng, người tiêu dùng được khuyến cáo nên thận trọng và tỉnh táo khi tiếp cận các thông tin quảng cáo, đặc biệt là những nội dung liên quan đến kết quả nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng hay bảo chứng từ các cơ quan chức năng.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục