Từ vụ hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố đến người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Ranh giới giữa vi phạm dân sự và hình sự là gì?
Vụ việc hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố không chỉ là một tai nạn truyền thông mà là bài học nghiêm khắc về trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo. Khi “quyền lực mềm” bị dùng sai cách, hậu quả không chỉ là mất hợp đồng, mà có thể là… án tù.
Mới đây, hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc lừa dối khách hàng liên quan đến kẹo rau củ Kera. Vụ việc đang đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý quan trọng: Người nổi tiếng có bị truy cứu hình sự khi quảng bá sản phẩm không đúng sự thật? Trách nhiệm của doanh nghiệp nằm ở đâu? Và liệu “không biết” có đồng nghĩa với “không tội”?
Trong cuộc trò chuyện cùng Tiếp thị & Gia đình, ông Lê Thanh Lâm - Thạc sĩ Luật Hình sự và Tố tụng hình sự đã có những chia sẻ để làm rõ trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm.
Thưa ông Lê Thanh Lâm, hiện nay pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về trách nhiệm pháp lý của nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo sản phẩm?
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, nghệ sĩ khi tham gia hoạt động quảng cáo có nghĩa vụ bảo đảm tính trung thực, chính xác trong thông tin cung cấp, không gây hiểu lầm về công dụng, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Trường hợp vi phạm, nghệ sĩ có thể bị xử lý hành chính, dân sự hoặc thậm chí hình sự, tùy theo mức độ hậu quả gây ra.

Trong trường hợp sản phẩm có vấn đề (như gây hại cho sức khỏe người dùng), nghệ sĩ có thể bị liên đới trách nhiệm như thế nào?
Nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật hoặc quảng bá quá mức gây nhầm lẫn, nếu sản phẩm gây hại, có thể bị người tiêu dùng khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại và sẽ bị xử phạt hành chính, yêu cầu cải chính công khai.
Cụ thể, nghệ sĩ có thể chịu:
-
Trách nhiệm hành chính (Căn cứ Nghị định 38/2021/NĐ-CP): Phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng tùy mức độ sai phạm, yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo, cải chính thông tin
-
Trách nhiệm dân sự (Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 + Luật BVQLNTD 2023): Bồi thường thiệt hại nếu người tiêu dùng chứng minh được hậu quả
-
Trách nhiệm hình sự (Căn cứ Bộ luật Hình sự 2015): Có thể bị truy cứu theo Điều 193 – Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, Điều 194 – Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh hay Điều 198 – Tội Lừa dối khách hàng
Khi nào thì hành vi quảng cáo sai sự thật cấu thành tội hình sự, thưa ông?
Hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, tùy vào mức độ hậu quả và yếu tố lỗi của người thực hiện.
Theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), nếu việc quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản của người tiêu dùng, thì người thực hiện có thể bị truy cứu tội “Quảng cáo gian dối”. Hình phạt có thể đến 5 năm tù, kèm theo phạt tiền.
Cụ thể:
Tội quảng cáo gian dối
(1). Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
(2). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điểm mấu chốt là thiệt hại đã xảy ra, mức độ nghiêm trọng và yếu tố cố ý hoặc vô ý. Nếu chỉ dừng ở việc gây hiểu lầm hoặc bị cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo thì nguy cơ bị xử lý hình sự là rất cao.
Người nổi tiếng có thể bị miễn trách nhiệm nếu không biết sản phẩm sai phạm không?
Người nổi tiếng không thể đơn thuần viện lý do “không biết” để chối bỏ trách nhiệm. Theo quy định tại Luật Quảng cáo, người phát ngôn cho sản phẩm (bao gồm người nổi tiếng, người làm chứng thực) phải chịu trách nhiệm liên đới nếu nội dung quảng cáo sai sự thật và gây hậu quả.
Tuy nhiên, nếu họ có bằng chứng chứng minh đã kiểm tra hồ sơ pháp lý, được doanh nghiệp cam kết bằng văn bản hoặc bị lừa dối tinh vi, thì có thể được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn có thể bị xử lý dân sự hoặc hành chính.

Về phía doanh nghiệp, họ sẽ phải chịu trách nhiệm đến đâu trong trường hợp này, thưa ông?
Trách nhiệm chính vẫn thuộc về doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối sản phẩm, đặc biệt nếu họ biết rõ sản phẩm chưa được cấp phép hoặc công dụng không đúng với thực tế.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp chủ động thuê KOLs để đánh bóng tên tuổi sản phẩm dù biết rõ chưa đủ điều kiện pháp lý. Nếu chứng minh được sự chủ mưu, tổ chức, hướng dẫn người nổi tiếng quảng bá sai thì doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm chính – có thể là dân sự hoặc hình sự.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Thông tin – Truyền thông để siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là trên mạng xã hội. Vụ việc liên quan đến kẹo rau củ là hồi chuông cảnh tỉnh cho cả ngành tiếp thị và giới showbiz.
Từ vụ việc hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố cùng những sai phạm trong quảng cáo gần đây. Theo ông, người nổi tiếng nên làm gì để tránh vướng phải những vi phạm pháp lý này?
Người nổi tiếng không thể đứng ngoài luật pháp. Họ có ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng, vì vậy, mọi lời nói, hình ảnh đều có trọng lượng pháp lý.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đừng vì thần tượng ai đó mà tin mù quáng. Cần tìm hiểu sản phẩm qua các kênh chính thống, như cổng thông tin của Bộ Y tế hoặc tra cứu số công bố sản phẩm trước khi mua hàng”.
Ngày 19/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên (27 tuổi, trú tại TP.HCM) để điều tra tội lừa dối khách hàng.
Cơ quan điều tra xác định kẹo Kera là của Thùy Tiên và các cổ công Công ty Chị Em Rọt hợp tác làm ăn chung. Trong đó Thùy Tiên được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận góp vốn tương đương 30%, còn các cổ đông còn lại góp 70%.
Trong các livestream, Thùy Tiên từng nhiều lần khẳng định kẹo rau củ Kera "là đứa con tinh thần của mình". Cô cùng bộ đôi Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã dành nhiều lời khen có cánh, quảng bá cho sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra xác định kẹo Kera là sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, do Công ty CP Asia Life sản xuất là hàng giả.
Trước đó, tối 4-4, thông tin Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị bắt cũng được công bố.