Khi người nổi tiếng vừa là cổ đông, vừa trực tiếp quảng cáo sai sự thật: Trách nhiệm pháp lý được xác định ra sao?
Không đơn thuần là 'gương mặt thương hiệu', nhiều người nổi tiếng hiện nay đang trực tiếp tham gia đầu tư, góp vốn và xây dựng thông điệp quảng cáo cho các sản phẩm tiêu dùng. Vậy, với trường hợp người nổi tiếng vừa là cổ đông, vừa trực tiếp quảng cáo sai sự thật, trách nhiệm pháp lý được xác định thế nào.
Vụ việc Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 vừa bị khởi tố vì quảng cáo sai sự thật cho một sản phẩm mà cô đồng sáng lập và hưởng lợi nhuận đã đặt ra câu hỏi pháp lý quan trọng: Khi người nổi tiếng không chỉ là gương mặt truyền thông mà còn là cổ đông, người góp vốn thì trách nhiệm trước pháp luật sẽ được xác định như thế nào?
Trong cuộc trò chuyện cùng Tiếp thị & Gia đình, luật sư Trần Thị Loan - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ để làm rõ các khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề này.
PV: Trong vụ việc của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, cô không chỉ quảng cáo sai sự thật mà còn là người góp vốn, đồng sáng lập và hưởng lợi nhuận từ sản phẩm. Theo luật, việc này khiến cô phải chịu trách nhiệm pháp lý ở mức độ nào?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Quảng cáo năm 2012 và Bộ luật Dân sự, bất kỳ cá nhân nào tham gia vào việc quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là đối với sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đều có thể bị xử lý hành chính, buộc cải chính công khai và bồi thường thiệt hại nếu có hậu quả xảy ra.
Trường hợp của Nguyễn Thúc Thùy Tiên có yếu tố đặc biệt nghiêm trọng: cô không chỉ là gương mặt quảng bá mà còn là người góp vốn, đồng sáng lập và hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh sản phẩm. Điều này đặt cô vào vị trí của người đồng chịu trách nhiệm pháp lý với tư cách là chủ thể kinh doanh.
Do đó, trách nhiệm của cô không chỉ dừng ở quảng cáo sai lệch mà còn liên quan đến toàn bộ chuỗi hành vi đưa sản phẩm ra thị trường. Trong một số trường hợp, nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

PV: Việc Hoa hậu Thùy Tiên biết rõ hàm lượng chất xơ rất thấp nhưng vẫn tham gia quảng bá công dụng vượt mức, có thể cấu thành tội cố ý lừa dối người tiêu dùng không?
Nếu có căn cứ chứng minh rằng Nguyễn Thúc Thùy Tiên biết rõ thông tin về sản phẩm là sai sự thật, nhưng vẫn cố tình sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng bá công dụng không có thật nhằm mục đích thu lợi, thì hành vi này có dấu hiệu của tội "Lừa dối khách hàng" theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đây là hành vi có yếu tố cố ý, tức là người thực hiện biết rõ thông tin sai nhưng vẫn thực hiện để trục lợi. Việc lợi dụng danh tiếng cá nhân để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng làm tăng tính chất nghiêm trọng của vụ việc, và có thể là tình tiết tăng nặng khi lượng hóa trách nhiệm hình sự.
PV: Sau khi dư luận tranh cãi, Hoa hậu Thùy Tiên lại đề nghị ký một hợp đồng quảng cáo để “hợp thức hóa” vai trò truyền thông, điều này có thể bị xem là hành vi che giấu sự thật để né tránh trách nhiệm hình sự không?
Việc "hợp thức hóa" bằng cách ký kết hợp đồng sau khi sự việc đã bị phát hiện có thể bị xem là hành vi che giấu bản chất thật của mối quan hệ kinh doanh. Nếu cơ quan điều tra xác định hợp đồng này nhằm tạo bằng chứng giả để trốn tránh trách nhiệm, thì đây có thể bị xem là hành vi cản trở hoạt động điều tra, thậm chí là làm giả tài liệu, chứng cứ, tùy theo tính chất cụ thể.
Tuy nhiên, việc này cần được đánh giá dựa trên tài liệu, chứng cứ cụ thể về thời điểm ký hợp đồng, mục đích ký và nội dung thực tế trong quá trình quảng bá sản phẩm. Nếu xác định được động cơ "ngụy trang" để tránh trách nhiệm thì hành vi này sẽ làm nặng thêm trách nhiệm pháp lý, không những về mặt dân sự mà có thể cả hình sự.
PV: Trong các trường hợp mà người nổi tiếng vừa là người góp vốn, người định hình thông điệp quảng cáo, người xuất hiện trong truyền thông thì họ bị truy tố với tư cách đồng phạm, chủ mưu, hay người thực hành trực tiếp?
Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, người tham gia vào tội phạm có thể bị xác định với các vai trò: người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức hoặc người xúi giục.
Nếu người nổi tiếng đồng thời là người góp vốn, thiết kế thông điệp quảng bá và xuất hiện trong các chiến dịch truyền thông thì rất có khả năng họ được xem là người đồng phạm với vai trò thực hành trực tiếp, thậm chí là chủ mưu, nếu chính họ là người khởi xướng hoặc chủ động trong quá trình phát triển, tiếp thị sản phẩm sai sự thật.
Tòa án sẽ căn cứ vào mức độ tham gia, vai trò thực tế và động cơ để xác định tư cách pháp lý cụ thể khi truy cứu trách nhiệm.
PV: Với người tiêu dùng, vụ việc này là ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa thương mại hóa hình ảnh cá nhân và thao túng thông tin sản phẩm. Theo bà, người tiêu dùng cần cảnh giác và hành động ra sao về mặt pháp lý nếu bị thiệt hại?
Người tiêu dùng cần nhận thức rõ rằng hình ảnh của người nổi tiếng không thể thay thế cho kiểm chứng khoa học và bằng chứng pháp lý về chất lượng sản phẩm. Việc tin tưởng mù quáng vào quảng cáo có thể dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài chính và niềm tin.
Khi bị thiệt hại, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khiếu nại trực tiếp đến nhà sản xuất hoặc người quảng bá; tố cáo tới cơ quan quản lý thị trường, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc cơ quan công an nếu có dấu hiệu lừa đảo; khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần; đồng thời đề nghị xử lý hình sự nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm và có đầy đủ bằng chứng.
Về lâu dài, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức pháp lý cơ bản, đọc kỹ thành phần và nhãn mác sản phẩm, đồng thời chỉ nên tin tưởng những thông tin đến từ cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức kiểm định uy tín.
PV: Cảm ơn luật sư vì những trao đổi!