Thẻ thành viên, tích điểm: Tiết kiệm thật hay chỉ là bẫy mua sắm?
Nhiều người cho rằng có thẻ thành viên hay tích điểm là một cách tiết kiệm thông minh khi mua sắm. Nhưng liệu điều đó có đúng trong mọi trường hợp?
Thử thách chi tiêu 1 triệu/tuần cho cả nhà: Gia đình trẻ Việt có thể làm được?
Từng tiêu hoang tiền chợ mà không biết, tôi đã xoay chuyển bằng cách cực đơn giản này
Đằng sau những chiếc thẻ tích điểm là hàng loạt chiêu trò tâm lý khiến bạn chi nhiều hơn mà không hề hay biết.
Tưởng tiết kiệm, hóa ra lại chi tiêu nhiều hơn
Chị Quỳnh Trang (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) từng rất hào hứng với các chương trình tích điểm. "Cứ đến siêu thị hay cửa hàng mỹ phẩm nào có thẻ thành viên là mình làm ngay. Mua hàng được giảm giá, lại tích được điểm đổi quà, ai mà không thích?"

Thế nhưng sau vài tháng, chị giật mình nhận ra: “Cái thẻ nào cũng yêu cầu mua tới một mức mới được tích điểm hoặc nhận ưu đãi. Mình đã không ít lần mua thêm vài món không cần thiết chỉ vì… còn thiếu 50.000 nữa là được tặng quà”.
Thực tế, đó là một “chiêu” quen thuộc của các thương hiệu: đánh vào tâm lý “đã đến gần mốc rồi thì cố thêm tí”, khiến người tiêu dùng dễ vung tiền mà tưởng là tiết kiệm.
Tích điểm – một phần của chiến lược giữ chân khách hàng
Các hệ thống siêu thị, thời trang, mỹ phẩm… thường đưa ra chính sách thẻ thành viên với nhiều cấp bậc và ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, những điểm số tích lũy đó thường có thời hạn sử dụng, điều kiện đổi quà hoặc chỉ áp dụng vào thời điểm cố định. Nhiều người “găm điểm” nhưng chưa kịp sử dụng thì đã hết hạn.
Chị Trang cho biết: “Tôi có tới 5-6 thẻ tích điểm của các thương hiệu mỹ phẩm, siêu thị, tiệm cà phê… nhưng thường không nhớ dùng. Nhiều lần được báo sắp hết hạn điểm mới vội vàng ghé mua, có khi mua đồ không thực sự cần chỉ để không phí điểm.”
Thực tế cho thấy, dù các chương trình tích điểm được thiết kế với mục đích tưởng thưởng, nhưng nếu người dùng không nắm rõ cách sử dụng hoặc lơ là thời hạn, lợi ích nhận lại sẽ không đáng kể. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại “tận dụng” yếu tố thời hạn để khuyến khích khách quay lại sớm, tạo vòng lặp tiêu dùng nhanh hơn – một chiến lược giữ chân khách hàng có chủ đích.
Ngoài ra, không ít thương hiệu áp dụng hệ thống phân cấp thẻ như bạc, vàng, kim cương… với các quyền lợi khác biệt. Việc đạt đến cấp cao hơn thường đi kèm yêu cầu chi tiêu lớn trong thời gian ngắn. Điều này đôi khi khiến người tiêu dùng “chi mạnh tay” chỉ để giữ hạng thẻ – vô tình trở thành chiến thuật “tích điểm ngược” của chính khách hàng.
Làm sao để tận dụng thẻ tích điểm hiệu quả, tiết kiệm?

Không thể phủ nhận: nếu sử dụng thông minh, thẻ thành viên vẫn là công cụ hỗ trợ chi tiêu hiệu quả. Nhưng bạn cần kiểm soát cách dùng, thay vì để nó điều khiển quyết định mua sắm.
4 nguyên tắc giúp bạn tận dụng thẻ tích điểm mà không “sập bẫy”:
- Chỉ đăng ký tại nơi bạn mua sắm thường xuyên: Đừng làm thẻ tràn lan ở mọi cửa hàng. Tập trung vào các siêu thị hoặc nhãn hàng bạn sử dụng thường xuyên nhất.
- Lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng: Không mua thêm chỉ để đủ điểm đổi quà hay nâng hạng thẻ.
- Chú ý điều kiện sử dụng điểm: Kiểm tra kỹ thời hạn điểm thưởng, các điều kiện áp dụng để tránh lãng phí.
- Ưu tiên lợi ích thực tế hơn cảm giác “mua hời”: Một món hàng giảm 5% nhưng không cần thiết vẫn là món đồ... lãng phí.
Thẻ thành viên hay chương trình tích điểm không xấu. Nhưng nếu không tỉnh táo, chúng có thể biến bạn từ người tiêu dùng thông minh thành “nạn nhân mua sắm có kế hoạch” do nhãn hàng vẽ ra. Tiết kiệm thực sự không nằm ở số điểm tích lũy, mà nằm ở khả năng kiểm soát nhu cầu và chi tiêu có mục đích.