Thứ hai, 07/07/2025
logo
Tiêu dùng thông minh

Tiền điện tháng 6 tăng vọt: Đâu là thủ phạm và cách tiết kiệm điện hiệu quả cho gia đình bạn

Thanh Hoa Thứ hai, 07/07/2025, 09:31 (GMT+7)

Tháng 6 vừa qua, nhiều hộ gia đình "ngã ngửa" khi nhận hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với tháng trước dù thói quen sinh hoạt không thay đổi nhiều.

Hướng dẫn chi tiết cách tra cứu tiền điện hàng ngày, tránh ‘sốc’ khi nhận hóa đơn

Tiền điện tăng bất thường, EVN Hà Nội khuyến cáo người dân thực hiện điều này để tiết kiệm điện

Muốn điều hòa mát nhanh, tiết kiệm điện? Đừng quên làm 4 việc đơn giản trước khi bật máy

Điều hòa là 'vua ngốn điện' khi nắng nóng cực đoan

Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), tháng 6 ghi nhận nền nhiệt tăng từ 2–6°C so với tháng 5. Có thời điểm, nhiệt độ ngoài trời chạm mốc 41°C – mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Nhiệt độ càng cao, các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt, tủ lạnh… càng hoạt động mạnh, tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Đặc biệt, khi nhiệt độ ngoài trời vượt quá 35°C, điều hòa phải hoạt động liên tục, ít ngắt máy. Điều này khiến lượng điện tiêu thụ tăng vọt, dù người dùng vẫn cài đặt ở cùng một nhiệt độ như các tháng trước.

Chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài nhà càng lớn, điều hòa càng tốn điện. Ví dụ: nếu đặt nhiệt độ phòng ở 27°C, khi ngoài trời là 35°C (chênh 8°C) sẽ tiêu tốn gấp đôi điện so với khi ngoài trời chỉ 29°C (chênh 2°C).

khong-nen-bat-nhiet-do-dieu-hoa-qua-thap-0924
Sử dụng điều hòa không đúng cách khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt

Theo EVN, điều hòa chiếm từ 28–64% tổng lượng điện tiêu thụ trong gia đình, thậm chí lên tới 80% trong những ngày nắng nóng cao điểm. Ngoài ra, tủ lạnh, bình nóng lạnh, bếp điện, nồi cơm điện cũng góp phần không nhỏ vào hóa đơn tiền điện.

Thời gian sử dụng cũng là yếu tố then chốt. Ban ngày, nắng nóng khiến máy điều hòa phải vận hành với công suất cao hơn nhiều so với ban đêm. 8 giờ bật điều hòa vào ban ngày có thể tốn điện gấp 2 lần so với ban đêm.

Sai lầm phổ biến khiến tiền điện tăng chóng mặt

Đặt nhiệt độ quá thấp

Mỗi khi giảm 1°C, điều hòa tiêu tốn thêm khoảng 5–7% điện năng. Việc cài đặt mức 18–20°C không giúp làm mát nhanh hơn mà chỉ khiến máy hoạt động "hết công suất" và tốn điện không cần thiết.

Tắt máy bằng điều khiển từ xa

Khi tắt điều hòa bằng remote mà không ngắt nguồn điện hoàn toàn, máy vẫn tiêu thụ khoảng 15W điện chờ – tương đương hai bóng đèn LED nhỏ bật liên tục.

Không thông gió định kỳ

Việc đóng kín phòng quá lâu dễ làm không khí bí bách, máy lạnh hoạt động kém hiệu quả. Lý tưởng nhất là nên mở cửa hoặc quạt thông gió sau mỗi 3–4 giờ để làm mới không khí.

Mẹo tiết kiệm tiền điện mùa hè không phải ai cũng biết

  • Cài đặt nhiệt độ hợp lý: Duy trì nhiệt độ trong khoảng 26–28°C, đồng thời sử dụng thêm quạt để lưu thông không khí, giúp làm mát hiệu quả mà không phải hạ sâu nhiệt độ máy lạnh.

  • Tận dụng gió trời: Khi nhiệt độ ngoài trời dưới 26°C, nên tắt điều hòa và mở cửa sổ thông thoáng, đặc biệt vào sáng sớm hoặc ban đêm.

  • Đóng kín phòng, che nắng: Dùng rèm cách nhiệt, phim dán kính hoặc tấm phản quang để hạn chế ánh nắng trực tiếp, giúp giảm nhiệt độ phòng và giảm gánh nặng cho điều hòa.

  • Vệ sinh thiết bị định kỳ: Điều hòa và tủ lạnh bám bụi sẽ khiến máy chạy lâu hơn, tốn điện hơn. Nên vệ sinh lưới lọc 1–2 lần/tháng.

  • Rút điện khi không dùng: Rút phích cắm các thiết bị điện không cần thiết như lò vi sóng, tivi, máy sạc… để tránh tình trạng tiêu tốn điện âm thầm.

Thời tiết nắng nóng gay gắt không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn "đốt tiền" nếu bạn không sử dụng điện hợp lý. Áp dụng một vài điều chỉnh nhỏ trong thói quen sinh hoạt như tăng nhiệt độ điều hòa, vệ sinh thiết bị, tận dụng gió trời... sẽ giúp bạn giảm đáng kể hóa đơn điện mà vẫn giữ được sự thoải mái trong những ngày hè oi ả.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục