Việt Nam tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, phòng chống dịch bệnh lây lan
Cục Y tế dự phòng đề nghị các trung tâm cập nhật thường xuyên thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập nước ta, để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống ngay tại cửa khẩu.
Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh/thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế yêu cầu tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới. Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trong năm 2023 tới đầu năm 2024, dịch COVID-19 tiếp tục ghi nhận các biến thể mới, trong đó có các biến thể cần theo dõi (XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86, JN.1). Các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác vẫn được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới như: bệnh Nipah tại Ấn Độ, Cúm A (H5N1) tại Campuchia, Cúm (H1N2) tại Vương quốc Anh, MERS-CoV tại khu vực Trung Đông; bệnh viêm đường hô hấp gia tăng tại một số nước…
Để chủ động phát hiện, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Trung tâm cập nhật thường xuyên các thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống ngay tại cửa khẩu; tăng cường giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện sớm, cách li, xử lí kịp thời các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tại nước ta.
Xây dựng, cập nhật quy trình thực hiện các hoạt động kiểm dịch y tế tại từng cửa khẩu căn cứ theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và các hướng dẫn chuyên môn, kĩ thuật hiện hành. Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại từng cửa khẩu, trong đó có phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, lưu ý kế hoạch cần có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lí cửa khẩu và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn…
Người dân phòng bệnh như thế nào?
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, trong 2 tuần đầu năm 2024 ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố; số mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhẹ nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.
Để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
Tại khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường; đây cũng là thời điểm nước ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, vì vậy người dân đi lại, giao lưu nhiều là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan và có nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lí nền. Trong đó, số người mắc cúm A tăng đột biến trong thời gian qua.
Cách phòng ngừa cúm A cho trẻ và gia đình tốt nhất là tiêm vắc xin cúm hàng năm, đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ: Người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai... Ngoài ra cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi;
- Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc;
- Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường;
- Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt ho đau họng (cần phải đến ngay Trạm Y tế hoạc cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị) và được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang;
- Tăng cường miễn dịch, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh đặc biệt vệ sinh bàn tay và không gian sinh sống, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang... cũng là các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh cúm;
- Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.