Mắc cúm A có tự dùng thuốc Tamiflu được không?
Số ca mắc cúm A liên tục gia tăng tại nhiều tỉnh thành, trong đó những người mắc bệnh nền dễ bị biến chứng nặng.
Nhiều ca mắc cúm A trở nặng
Thời gian gần đây, một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám, xét nghiệm và chẩn đoán mắc bệnh cúm A.
Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một số trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy. Bệnh nhân có rất nhiều bệnh nền như: Suy thận mạn tính, cao huyết áp, tiểu đường, biến chứng tai biến mạch máu não… Cơ sở Kim Chung, Đông Anh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho khoảng 15 bệnh nhân cúm A nặng.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có khoảng 100 - 150 trường hợp mắc cúm, chủ yếu là cúm A trong số trẻ được chỉ định xét nghiệm mỗi ngày. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Riêng tại Trung tâm bệnh nhiệt đới của bệnh viện này đang điều trị hơn 70 ca mắc cúm, chiếm gần 1 nửa số bệnh nhi. Phần lớn bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Một số ca suy hô hấp, phải thở máy do nhiễm cúm trên nền bệnh tim và thuyên tắc động mạch phổi, viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim...
Theo TS. Vũ Ngọc Long - Phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng nhưng không phải là sự bất thường vì thời gian hiện nay đang trong thời điểm giao mùa Đông - Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.
Các chủng virus cúm đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B, hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).
Mắc cúm A có dùng được thuốc Tamiflu không?
Tamiflu là một loại thuốc kháng virus được dùng để điều trị và ngăn ngừa bệnh cúm. Thuốc giúp giảm các triệu chứng cúm như sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, ho, đau họng… và ngăn chặn virus sinh sôi trong cơ thể trong khi chờ hệ miễn dịch dần loại bỏ virus gây bệnh.
Không ít người dân khi mắc cúm đã tự ý mua thuốc Tamiflu về uống. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Ngọc Long, tự mua thuốc Tamiflu về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây hiện tượng kháng thuốc. Thuốc này thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao và bệnh nhân không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.
Phòng tránh cúm A như thế nào?
ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trẻ em và người già có nhiều bệnh nền; đặc biệt những người có bệnh nền tim mạch và phổi là 2 đối tượng dễ mắc cúm nặng. Bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng cúm. Việc tiêm vaccine có thể không phòng được việc bị nhiễm cúm nhưng sẽ có tác dụng trong việc tránh diễn biến nặng. Virus cúm có nhiều tuýp khác nhau, có thể thay đổi theo từng năm nên người dân nên đi tiêm phòng hàng năm; nhất là với những người có bệnh nền, trẻ em nên tiêm vaccine phòng cúm.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, người dân chủ động áp dụng các biện pháp sau:
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, giữ ấm cơ thể và ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Đeo khẩu trang khi tới nơi đông người và trên các phương tiên vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Người có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Số lượng trẻ mắc cúm A tăng cao, cha mẹ phòng tránh cho con thế nào?
- Cúm A đang có nguy cơ bùng phát trở lại, cẩn thận phòng ngừa bệnh và biến chứng nguy hiểm cho trẻ
- Cẩn trọng với những dấu hiệu về đêm cảnh báo bệnh tật
- Cẩn thận với những loại vi khuẩn trong món ăn tươi sống quen thuộc
- Đừng nhầm lẫn: Tuổi sinh học của cơ thể khác hoàn toàn tuổi thật
- 4 động tác giữ ấm cơ thể hiệu quả ngay trong vòng 1 phút
- Độc tố aflatoxin gây ung thư, tử vong có trong thực phẩm nào?
- 4 loại rau củ khiến đường huyết tăng nhanh hơn cả thịt