Số lượng trẻ mắc cúm A tăng cao, cha mẹ phòng tránh cho con thế nào?
Nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh cúm A sẽ giúp cha mẹ có thể xử trí và đưa con đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cúm A làm bệnh gì?
Cúm A ở trẻ là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A như A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9, A/H3N2 gây nên. Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh cúm A lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi… Bệnh thường có xu hướng gia tăng trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường. Gần đây, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh cúm A ở trẻ em thường diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh cúm A, tuy nhiên trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ mắc cúm A, trong đó trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị virus cúm tấn công, gây bệnh. Bên cạnh đó, trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng cúm, chưa tạo được miễn dịch chủ động chống lại virus này. Trẻ đến trường, học tập, sinh hoạt và tiếp xúc với nhiều người cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng cao. Thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân của trẻ cũng khó khăn hơn người lớn…
Biểu hiện bệnh cúm A
Virus cúm A có nhiều trong trong dịch tiết nước bọt, nước mũi… Do đó, con đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh cúm A là qua đường giọt bắn. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, giọt bắn sẽ chạm vào miệng, mũi của trẻ đối diện khiến trẻ mắc bệnh, hoặc cũng có thể chạm vào đồ dùng có dính virus rồi đưa lên mũi, miệng.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm A gồm: đau họng và ho; hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; sốt và ớn lạnh; nhức đầu và nhức mỏi cơ thể; cảm thấy mệt mỏi; có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy… Ở trẻ bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến với trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi cúm A ở thể nhẹ, trẻ có thể sốt từ 38 độ trở lên, kèm theo nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần, háo nước… Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng có thể bỏ bú, bỏ ăn, lòng bàn tay, gan bàn chân lạnh, thở nhanh, li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể sốt cao kèm co giật.
Cúm A ở trẻ thường diễn biến lành tính, tuy nhiên cũng có nguy cơ biến chứng nặng và nguy hiểm ở một số đối tượng như trẻ sinh non, trẻ nhỏ, trẻ có bệnh tim mạch bẩm sinh, suy giảm hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, hen phế quản… Đây là những đối tượng có sức đề kháng kém, khi mắc bệnh, có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản và nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, những biến chứng này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi, gia tăng nguy cơ tử vong.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ mắc cúm A có những dấu hiệu sau: Khó thở, thở rút ngực, thở nhanh; Da và môi tái nhợt, mặt xanh xao; Đau ngực; Nôn liên tục; Sốt cao khó hạ; Li bì, bỏ bú; Xuất hiện co giật; Tiểu ít hoặc không có nước tiểu trong vòng 8 giờ…
Phòng ngừa cúm A ở trẻ em thế nào?
Biện pháp dự phòng cúm A ở trẻ em hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất là tiêm vaccine cúm mỗi năm 1 lần. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã có thể tiêm vaccine phòng cúm mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi 1 khoảng 1 tháng. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc vaccine cúm lại hàng năm, vì virus cúm có khả năng biến đổi liên tục. Nếu không được tiêm nhắc, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh và diễn tiến nặng do không có miễn dịch với chủng cúm mới biến đổi mỗi năm.
Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau:
- Dạy trẻ ho hay hắt hơi đúng cách giúp hạn chế nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm thông qua đường hô hấp. Khi ho, hắt hơi, trẻ cần che kín miệng bằng khuỷu tay hoặc sử dụng khăn giấy, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác, rồi rửa tay lại bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Cha mẹ cần giải thích và hướng dẫn cụ thể cho trẻ về việc hạn chế chạm vào mặt, nhất là vùng chữ T (mắt, mũi và miệng) để phòng bệnh cúm A cho trẻ. Bởi tay được xem là “nơi trung gian” truyền bệnh, tay rất hay cầm, nắm, sờ các đồ vật có thể chứa virus gây bệnh.
- Dạy trẻ rửa tay sạch sẽ theo khuyến cáo bằng các loại xà phòng diệt khuẩn, lau lại bằng khăn giấy, sau đó tắt vòi bằng chính khăn giấy đó và vứt vào thùng rác.
- Cha mẹ đảm bảo chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh, ăn đủ 3 bữa “ăn chín uống sôi” mỗi ngày, ngủ sớm và đủ giấc. Đặc biệt, cần đảm bảo duy trì nhiệt độ phòng ở khoảng 27-28 độ C để giúp trẻ không bị lạnh và tránh nguy cơ bị suy giảm miễn dịch. Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin C như bắp cải, súp lơ, rau bina, nước cam… để tăng cường sức đề kháng.
- Cho trẻ uống nhiều nước vào mùa khô để cung cấp đủ độ ẩm cho cơ thể. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối để sát khuẩn và tăng độ ẩm cho mũi.
- Hướng dẫn trẻ cách đeo khẩu trang đúng, vừa vặn với khuôn mặt khi hoạt động ngoài trời hoặc ở nơi đông người. Nếu không quá cần thiết, nên cho trẻ sinh hoạt và vận động tại nhà…
- 7 siêu thực phẩm tăng cường miễn dịch, phòng cúm trong mùa đông
- Bổ sung những vi chất nào để phòng cúm hiệu quả?
- Cung cấp đủ vitamin nào cho trẻ để phòng viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae?