Cung cấp đủ vitamin nào cho trẻ để phòng viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae?
Mycoplasma pneumoniae là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ em. Đây cũng là một trong các mầm bệnh liên quan đợt gia tăng bệnh hô hấp ở nhiều nước trong thời gian gần đây.
Theo nghiên cứu được công bố trên Annals of Translational Medicine, bổ sung đầy đủ 3 vitamin A, D, E sẽ rất tốt trong việc đẩy lùi các bệnh hô hấp. Nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Nhi của Bệnh viện số 3 Đại học Y khoa Bắc Kinh và Bệnh viện Nhi Bắc Kinh (Trung Quốc) đã xem xét tác động của nồng độ vitamin A, D, E trong huyết thanh đến mức độ bệnh của 122 trẻ em nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae. Trong đó giá trị của vitamin A phát huy rõ ràng lên trẻ nhiễm Mycoplasma pneumoniae.
Nghiên cứu trên cho thấy tình trạng thiếu vitamin A liên quan đến các ca mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm Mycoplasma pneumoniae, nhất là ở trẻ dưới 6 tuổi. Vì thế, bổ sung vitamin A có thể làm giảm tỉ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae nặng. Điều quan trọng khác là phải kiểm tra và bổ sung vitamin A ở bệnh nhân nhiễm Mycoplasma pneumoniae.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm giá trị của cả việc bổ sung vitamin D và E đối với căn bệnh này và các bệnh hô hấp khác. Sự thiếu hụt các vitamin này cũng có mối tương quan thuận đến diễn tiến bệnh của trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, cho dù chưa thể hiện được tương quan đáng kể trong bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae. Các tác giả khuyên vẫn nên duy trì nồng độ vitamin E và D trong mức khuyến nghị.
Bổ sung vitamin A, D, E qua thực phẩm cho trẻ thế nào?
Vitamin A
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, nên bô sung vitamin A cho trẻ 6-36 tháng 2 lần/năm, vào ngày 1/6 và 2/6 (đợt 1), ngày 1/12 và 2/12 (đợt 2) nhằm phòng ngừa các bệnh như quáng gà hoặc mù lòa. Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được nuôi bằng sữa mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin A cũng cần bổ sung vitamin A. Lưu ý, trẻ 1-3 tuổi không nên bổ sung quá 2.000 IU/ngày và trẻ 4-8 tuổi không nên uống nhiều hơn 3.000 IU/ngày.
Cha mẹ cũng có thể bổ sung vitamin A cho trẻ thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Một số thực phẩm giàu vitamin A là: cà rốt tươi (8666 IU/củ), nước ép cà rốt (22.567 IU/nửa cốc), sữa (250 IU/nửa cốc), nước ép cà chua (546 IU/nửa cốc), cải bó xôi nấu chín (5,729 IU/ 1⁄4 chén), súp bí đỏ (5.717 IU/1⁄4 chén), rau bina tươi (703 IU/1⁄4 chén)…
Vitamin D
Trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc trẻ bú mẹ một phần (uống kèm sữa công thức) cần được bổ sung vitamin D liều 400 IU/ngày, bắt đầu vài ngày sau khi sinh. Trẻ đã cai sữa và uống mỗi ngày 1 lít sữa ngừng dùng vitamin D. Bổ sung thêm vitamin D (sữa công thức với trẻ < 12 tháng hoặc sữa bò với trẻ >12 tháng). Nếu trẻ uống ít hơn 1 lít sữa mỗi ngày thì vẫn cần bổ sung 400 IU vitamin D/ngày. Tiếp tục cho trẻ uống vitamin D tới khi bé uống đủ 1 lít sữa giàu Vitamin D mỗi ngày.
Trẻ lớn không nhận đủ 400 IU vitamin D mỗi ngày thông qua thực phẩm cũng cần được bổ sung vitamin D hàm lượng 400 IU/ngày.
Một số thực phẩm giàu vitamin D bao gồm: cá hồi (570 IU/3 ounce cá nấu chín)…; yến mạch (55 - 154 IU/1/2 chén); lòng đỏ trứng (18 - 39 IU/lòng đỏ); nước cam (142 IU/237 ml); sữa đậu nành (99 - 119 IU/237ml)…
Vitamin E
Sau đây là lượng vitamin E mà trẻ cần hàng ngày: Trẻ 0-6 tháng cần 4mg hoặc 6 IU vitamin E. Trẻ 7-12 tháng cần 5mg hoặc 7,5 IU. Trẻ 1-3 tuổi: cần 6mg hoặc 9 IU. Trẻ 4-8 tuổi cần 7mg hoặc 10,5 IU. Trẻ 9-13 tuổi cần 11mg hoặc 16,4 IU.
Những loại thực phẩm mà cha mẹ có thể thêm vào thực đơn để bổ sung vitamin E cho bé là: hạnh nhân rang khô (7mg vitamin E/30g); đậu phộng rang khô (2 mg vitamin E/30g); kiwi (1mg vitamin E/nửa quả đã gọt vỏ); rau bina (0,8mg vitamin E/1⁄4 bát nấu chín); bông cải xanh (0,6mg vitamin E/1⁄4 bát nấu chín); xoài (0,9mg vitamin E/1⁄4 quả)...
Lưu ý: Lượng vitamin trong thực phẩm có thể thay đổi theo kích thước hoặc nhãn hiệu sản phẩm.