4 cách để dạy trẻ trân trọng đồ ăn
Một đứa trẻ biết trân trọng đồ ăn thức uống sẽ biết trân trọng những gì trẻ được hưởng thụ trong cuộc sống, từ đó trở thành người có tấm lòng biết ơn và yêu lao động.
Nhiều đứa trẻ được phụ huynh nuông chiều quá mức, đòi ăn món gì là được ăn ngay, không đúng ý sẽ không ăn, thậm chí đổ bỏ. Điều này dẫn đến việc trẻ hình thành lối sống lãng phí, không biết trân trọng đồ ăn. Sau đây là những cách mà cho mẹ có thể áp dụng để giúp con trân trọng đồ ăn hơn.
Dạy trẻ về nguồn gốc của đồ ăn
Cách hiệu quả nhất để dạy trẻ trân trọng đồ ăn là cho chúng biết nguồn gốc của những món ăn mà con vẫn ăn hằng ngày. Cho trẻ cùng đi chợ, siêu thị hoặc thăm vườn rau hay nông trại là điều cha mẹ có thể làm mỗi buổi chiều hoặc cuối tuần. Tại những địa điểm ấy, trẻ có thể được tận mắt nhìn thấy quá trình chế biến thực phẩm từ nguyên dạng thành món ăn nóng hổi.
Nếu nhà bạn có khoảng sân rộng, đừng ngại ngần mà trồng những loại rau mầm, giá đỗ… Bạn vừa có rau sạch để ăn lại có thể giáo dục con về quá trình tăng trưởng của cây, dạy con lao động để chăm sóc cây đến khi thu hoạch.
Cho trẻ cùng tham gia nấu ăn
Khi đã dạy trẻ nắm bắt được những nguyên liệu để tạo đồ ăn hằng ngày, cha mẹ có thể cho trẻ vào bếp cùng nấu những món đơn giản và cho trẻ tự do sáng tạo kết hợp các nguyên liệu để tạo nên món ăn phù hợp với khẩu vị của trẻ.
Để nấu thành công một món ăn cần rất nhiều công đoạn. Việc vo gạo khi nấu cơm cũng dạy cho bé được việc cẩn thận tỉ mỉ, rèn luyện sự tập trung và khéo léo. Những việc khó hơn một chút như cắt thái nguyên liệu, bày biện món ăn cũng là cơ hội cho trẻ sáng tạo. Trẻ có thể cắt củ quả theo hình yêu thích, sắp xếp món ăn theo thứ tự kích cỡ hay màu sắc cũng là cơ hội để trẻ thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Thông qua đó, cha mẹ có thể tăng hứng thú ăn uống cho trẻ, cũng như có những phút giây gắn bó tình cảm tuyệt vời.
Điều chỉnh tính kén ăn của trẻ
Nếu trẻ luôn tỏ ra không thích thú và khó chịu mỗi khi được thử một món ăn mới thì hãy đề ra một quy tắc áp dụng với mọi thành viên trong gia đình. Mỗi người được chọn ra 3 món không thích ăn, từ đó có thể tránh chuẩn bị những món ăn này trong bữa cơm, từ đó tránh được việc lãng phí thực phẩm, cũng như khuyến khích trẻ có tư duy chọn lọc hơn.
Chia nhỏ khẩu phần ăn
Nhiều gia đình có xu hướng cho đồ ăn vào đầy đĩa cho trẻ, để rồi cuối cùng khi trẻ không ăn hết thì toàn bộ số thức ăn dở còn thừa lại cất lại vào tủ lạnh, không tốt cho sức khỏe hoặc đỏ bỏ đi gây lãng phí. Thay vì chuẩn bị một đĩa đầy ắp thức ăn thì cha mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần ăn cho trẻ, khi trẻ đã ăn xong mà vẫn chưa đủ no thì có thể cho con ăn thêm. Cách này giúp cha mẹ bảo quản đồ ăn tốt hơn và tiết kiệm được thời gian chuẩn bị nấu nướng các món khác nhau.