Làm thế nào để cha mẹ dễ tâm sự với con hơn?
Đôi khi, muốn con cái chia sẻ những điều trong cuộc sống không phải dễ dàng nếu bố mẹ không khéo léo biết cách gợi mở.
Khá nhiều bố mẹ gặp khó khăn khi giao tiếp với con dẫn đến khoảng cách lớn giữa hai thế hệ. Những lúc con nói “Con không biết”, “Bình thường ạ”, “Không có gì đâu ạ”… thật khiến bố mẹ hụt hẫng. Nếu bạn đang ở trong tình trạng này, hãy thử áp dụng những cách dưới đây.
Đồng cảm với con
Trong thời điểm con đang khó chịu về điều gì đó đã xảy ra nhưng từ chối cởi mở về cảm giác của mình, bạn thường hay hỏi “Hôm nay con cảm thấy thế nào?”. Cách tiếp cận trực tiếp này có thể khiến con không muốn chia sẻ hay thổ lộ bất cứ điều gì.
Nếu bạn đã thử hỏi mà trẻ vẫn im lặng, hãy ngồi xuống bên cạnh con và chia sẻ khoảng thời gian chúng ta đã trải qua điều gì đó tương tự. Thông qua việc chia sẻ điểm yếu của mình, cha mẹ có thể kết nối với con một cách hiệu quả hơn và khuyến khích chúng cởi mở với cảm xúc của mình.
Hỏi về niềm vui của con
Khi bạn hỏi “Hôm nay con cảm thấy thế nào?” hoặc “Con đã làm gì ở trường?”, trẻ thường không biết trả lời thế nào hoặc không muốn tiết lộ mọi thứ trẻ đã làm.
Thay vào đó, hãy thử kết hợp các câu hỏi như “Con đi học có vui không?”, “Ở trường có gì mới và thú vị không?”, “Hôm nay con được dạy những gì?”… Những loại câu hỏi này thường tạo ra một cuộc thảo luận cởi mở và sâu sắc hơn nhiều.
Trò chuyện khi cùng làm gì đó
Đối với một số trẻ, việc trò chuyện trực tiếp có thể khó khăn, đặc biệt khi trẻ cảm thấy khó mở lời về điều gì đó mà bạn ngồi đối diện hỏi trẻ như tra khảo. Trò chuyện trong khi đi bộ về nhà hoặc di chuyển bằng ô tô có thể bớt căng thẳng hơn nhiều vì cần ít giao tiếp bằng mắt hơn.
Nguyên tắc tương tự này cũng được áp dụng trong bất kỳ hình thức hoạt động nào, chẳng hạn như lúc bạn cho con đi tắm, cùng con chơi đồ chơi… Điều này giúp trẻ cảm thấy mình được đặt vào một không gian an toàn.
Không đưa ra lời khuyên
Khi con cởi mở với bạn, đừng vội đưa ra lời khuyên mà hãy chăm chú lắng nghe hết câu chuyện. Điều con cần và khiến con có thể cởi mở hơn trong tương lai là sự chú ý, thấu hiểu và xác nhận của bạn.
Chúng ta có thể dễ dàng đưa ra phán xét “Bố/mẹ chắc chắn con không cố ý”, “Con sẽ ổn thôi”, “Lẽ ra con không nên làm điều đó ngay từ đầu” hầu như phản tác dụng, bởi con bạn đang cảm nhận và phản ứng theo cách tiêu cực hoặc chống đối. Hãy chờ đến khi con cảm thấy đã sẵn sàng và đang tìm kiếm lời khuyên của bạn, hãy thử bắt đầu bằng câu “Chúng ta có nên thử tìm cách để giải quyết vấn đề này không?”
Tìm cách khác để giao tiếp
Nếu bạn đã thử những cách bằng lời nói trực tiếp mà con vẫn khó mở lòng hoặc cho bạn biết khi nào chúng cần nói chuyện, hãy thiết lập các phương tiện giao tiếp khác. Bạn có thể giao tiếp với con qua chữ viết như thư từ hay đóng vai một nhân vật con yêu thích để tâm sự cùng con...
Khi con sẵn sàng, con sẽ hồi đáp lại bạn. Hãy kiên trì quan sát và mở lòng cùng con, rồi con sẽ không “phụ lòng” bạn.