Thứ tư, 06/09/2023, 11:13 (GMT+7)

Giao tiếp cùng con: 7 câu nói gây tổn thương đến trẻ

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Cách giao tiếp cùng con hằng ngày có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tính cách cho con. Đặc biệt, phụ huynh không nên nói những lời khiến trẻ bị tổn thương.

Không ít phụ huynh khi muốn khuyên răn, dạy con thường dùng những từ ngữ nặng nề, tỏ ý trách móc dễ gây tổn thương đến trẻ. Điều này không chỉ không mang lại tác dụng tiêu cực mà về lâu dài còn có thể gây cảm giác tự ti, nhút nhát, ngại giao tiếp ở trẻ.

giao-tiep-cung-con 1
Những từ ngữ trách móc nặng nề thường xuyên dễ gây tổn thương đến trẻ (Ảnh: Freepik)

Phương pháp giao tiếp cùng con đúng và phù hợp sẽ tạo mối quan hệ vui vẻ, gắn bó giữa phụ huynh với con cái. Đồng thời, đây cũng là chất xúc tác để hình thành nên tính cách, tư duy phát triển của trẻ. 

Dưới đây là 7 câu nói dễ gây nên tổn thương cho trẻ mà phụ huynh cần lưu ý tránh xa:

"Im đi, sao con không vâng lời?"

Câu nói này mang ý nghĩa áp đặt suy nghĩ của phụ huynh lên con trẻ, cho rằng vị thế quyền lực của mình là tuyệt đối trong gia đình. "Ở đây, ý kiến của mình là nhất, con nhỏ phải hoàn toàn nghe theo".

Tuy vậy, khi phụ huynh nói ra câu này, trong trẻ sẽ có suy nghĩ "mình không được phép ý kiến, không được bày tỏ quan điểm riêng". Lúc này, vô tình trẻ sẽ bị thụ động, không có tư duy độc lập.

Bởi vậy, bố mẹ cần tránh xa câu nói trên và thay vào đó, hãy khuyến khích con bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ thật của mình. Thường xuyên đưa ra những câu hỏi "con nghĩ gì" và nỗ lực hỗ trợ con trong khả năng của mình.

"Con không có tương lai, sau này chỉ có đi nhặt rác thôi!"

"Sau này con chỉ có thể đi nhặt rác, chăn bò,.." là những câu cửa miệng mà bố mẹ cho rằng khi nói ra sẽ tạo động lực hơn cho trẻ. Song, nó có thể phản tác dụng, tạo nên ý nghĩ "Mình thật tệ hại và không thể làm gì tốt hơn" của trẻ.

giao-tiep-cung-con 2
Trẻ dễ cảm thấy tổn thương, nghĩ mình tệ hại khi bị bố mẹ trách móc (Ảnh: Freepik)

Trong tâm lý học có một hiệu ứng mang tên Aronson, nó ám chỉ thái độ tiêu cực dần khi phần thưởng bị giảm đi và sự tích cực dần khi phần thưởng tăng lên. Trong nuôi dạy trẻ, phụ huynh cần hiểu rằng, sự động viên của bố mẹ chính là món quà khích lệ sự phát triển tích cực cho con cái. Và thay vì nói "con không thể làm được" thì hãy nói "bố mẹ tin con có thể làm được".

"Con không được phép làm nếu bố mẹ nói không!"

Câu nói trên sẽ vô tình gợi lên cho trẻ suy nghĩ "Vì bố mẹ lớn hơn nên con chỉ có thể nghe theo ý kiến của mẹ, dù có thích hay không thì vẫn phải vâng lời".

Tuy nhiên, có không ít trẻ vì muốn thể hiện hay nổi loạn mà sẽ có tâm lý thích làm trái ngược với những lời nói của bố mẹ đưa ra. Bởi khi gặp vấn đề, phụ huynh thường xử lý bằng những lời buộc tội và ép con phải làm theo quan điểm riêng của mình.

Trong cuốn "Bảy thói quen của người thành đạt" có mục "Nguyên tắc giao tiếp đồng cảm" đã chỉ ra, khi giao tiếp, bạn cần hiểu suy nghĩ của đối phương trước, sau đó mới để đối phương hiểu được suy nghĩ của chính mình. Bởi vậy, phụ huynh cũng nên áp dụng mẹo giao tiếp cùng con này trong nuôi dạy hằng ngày.

Khi có những bất đồng quan điểm, không nên ép buộc hay can thiệp mà hãy kiên nhẫn lắng nghe suy nghĩ của trẻ. Đồng thời, việc tôn trọng ý kiến, lựa chọn của trẻ cũng rất quan trọng.

Giao tiếp cùng con, đừng nói "Con muốn làm gì thì làm!"

Mỗi khi cảm thấy tức giận hay bất lực, phụ huynh thường sử dụng câu nói này đối với trẻ. Tuy nhiên, tác dụng của nó là mang lại suy nghĩ "Con không tốt, bố mẹ không quan tâm và không cần con nữa" trong trẻ.

Trẻ em thường thuần túy trong cách nghĩ, bởi vậy, chỉ với câu nói này cũng cảm thấy tự ti, nhút nhát. Khi nghĩ đến việc bố mẹ không còn thương mình, tâm lý sẽ trở nên bất an, tổn thương.

giao-tiep-cung-con
Khi bố mẹ nói "muốn làm gì thì làm", tâm lý con sẽ trở nên bất an, tổn thương (Ảnh: Freepik)

"Tại sao con chỉ thích chơi nhưng học thì lười biếng?"

Trẻ vốn hiếu động, ưa khám phá và không phải ngẫu nhiên mà lứa tuổi này được gọi là "tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi ngủ". Bởi vậy, bố mẹ không nên áp đặt con phải chăm chỉ học tập, cố gắng phấn đấu mỗi ngày.

Mỗi trẻ sẽ có khả năng học tập cùng những kết quả khác nhau, bố mẹ không nên so sánh hay trách móc trẻ. Khi nghe được câu nói trên, trẻ sẽ chỉ nghĩ rằng "Mẹ chỉ muốn mình học tập mỗi ngày mà không quan tâm đến sở thích, suy nghĩa của mình". 

Con cái dù học tập có giỏi giang, chăm chỉ hay có kết quả không tốt vẫn đều xứng đáng được bố mẹ chăm sóc, yêu thương. Bởi vậy, hãy cân bằng cả hai để con được vui chơi, lớn lên mạnh khỏe bên cạnh việc học tập, rèn luyện. 

"Tại sao lại không bằng con nhà người ta?"

"Con nhà người ta" là một trong những câu so sánh phổ biến của nhiều phụ huynh khi nói về con mình. Trong mắt của bố mẹ, con của gia đình người khác luôn ngoan ngoãn, học giỏi, biết làm việc nhà nhưng con mình thì lười biếng nên luôn lấy câu nói này để mong con phấn đấu hơn.

Tuy vậy, suy nghĩ hình thành trong đầu trẻ lúc này lại đầy nỗi tự ti, nhút nhát và cảm thấy mình luôn thua kém người khác. Bên cạnh đó, đây có thể không phải là động lực mà trở thành một áp lực vô hình luôn tồn tại.

Trong trường hợp này, bố mẹ nên chấp nhận chính con người thật của trẻ và nỗ lực hỗ trợ con tỏa sáng với chính sở trường, ưu điểm của mình. 

giao-tiep-cung-con 3
Bố mẹ nên chấp nhận và nỗ lực hỗ trợ con tỏa sáng với chính sở trường, ưu điểm của mình (Ảnh: Freepik)

"Con giống ai mà ngốc vậy?"

Khi thấy con làm sai một bài toán, đạt điểm kém một bài văn, nhiều phụ huynh vì tức giận mà đã ngay lập tức chê bai hoặc kết luận về nhân cách, tri thức của trẻ. Thay vì kiên nhẫn chỉ dạy, hỗ trợ trẻ học tốt hơn lại chỉ đổ lỗi thất bại cho một ai khác,.. đây là cách giao tiếp cùng con thất bại.

Câu nói đổ lỗi trên sẽ gây ra nhiều sự tổn thương cho trẻ, rằng "mình không được xuất sắc như bố mẹ" hay "mình chỉ là kẻ thất bại". Thậm chí nghiêm trọng hơn, trẻ có thể nghi ngờ về xuất thân của mình.

Giáo dục và giao tiếp cùng con là một hành trình dài và có nhiều giai đoạn khác nhau. Bởi vậy, hơn hết, mỗi phụ huynh nên học cách lắng nghe, cảm thông và chia sẻ cùng con. Những hành vi hay lời nói dễ gây tổn thương cần được loại bỏ để con luôn được phát triển mạnh mẽ và tích cực nhất. 

Cùng chuyên mục