Thứ tư, 28/09/2022, 09:57 (GMT+7)

Phụ huynh ứng xử thế nào là đúng mực khi con vòi quà?

Nuôi con, chắc hẳn không ít lần bạn phải đối diện với những mè nheo, vòi quà cáp của bé. Cần phải xử lý, dạy dỗ thế nào để giúp con hiểu chuyện?

Trước hết, cần nhìn nhận hành động vòi quà là một hành động mang tính bản năng với tất cả mọi người. Không riêng gì với trẻ em. Thậm chí ở người lớn vẫn còn rất nhiều người mắc phải. Nên với trẻ con, đây là hành vi bình thường. Tuy nhiên, để giải quyết vòi quà thế nào trong trường hợp này thì lại phụ thuộc vào ứng xử; và dạy dỗ của cha mẹ/người nuôi dạy với trẻ.

Phụ huynh cần kiên trì dạy con từ bỏ thói vòi quà

Đối với các cha mẹ, việc gặp các tình huống khó xử trong nuôi dạy trẻ là các thách thức liên tục xảy đến. Vòi quà cũng vậy. Vậy nên làm sao để biến thách thức thành cơ hội. Coi đây là các bài học để bản thân cha mẹ cũng trưởng thành hơn trong hành trình nuôi dạy con. Việc giúp con học cách ứng xử với hành vi, mong muốn và có kỹ năng xử lý tình huống, kiểm soát cảm xúc tốt rất cần sự kiên trì.

Chia sẻ về điều này, chị Trần Thị Kim Hoa, Chuyên gia giáo dục sớm Facilitator – cố vấn chương trình Kỷ luật tích cực dành cho cha mẹ, nhấn mạnh: “Nuôi con, hãy kỳ công chứ đừng nên kỳ vọng! Việc dạy dỗ con không vòi vĩnh quà cáp cần cha mẹ kiên trì và theo thời gian, thống nhất. Đừng vì thương, vì chiều theo ý con mà nhân nhượng. Khi chiều theo bé dù chỉ một lần thôi, bé sẽ bị cuốn theo cảm xúc và không biết điểm dừng. Từ đó, bé biết rằng đòi hỏi sẽ được đáp ứng và càng về sau sự vòi vĩnh sẽ càng tăng nhiều hơn về mức độ, tần suất và giá trị món quà.”

Làm gì để con không vòi quà?

Theo chị Kim Hoa, trong gia đình nên có một khoản quy ước hàng tháng con được sử dụng cho việc mua quà hoặc đồ chơi. Các con có thể dùng hết trong tháng hoặc dồn vào nhiều tháng để mua một món to hơn tùy con lựa chọn.

Số tiền này sẽ được “liệu cơm gắp mắm” tùy theo mức chi tiêu của từng gia đình, để đưa ra quy ước cho phù hợp. Ví dụ, nếu thu nhập eo hẹp, bạn có thể quy định mức chi tiêu cho bé gói gọn trong 50.000 đồng/tháng. Nhưng với những gia đình có điều kiện, mức quy định có thể là 500.000 đồng hoặc nhiều hơn.

Số tiền này còn có thể đến từ các “nguồn thu” của bé như con đút lợn tiết kiệm, tiền do người lớn cho, tiền công con tham gia lao động, tiền thưởng của con… hay đơn thuần là một khoản chi tiêu gia đình cố định cho các con hàng tháng.

Như vậy, các con sẽ biết được mình có bao nhiêu và chọn mua quà trong đúng số tiền mình có, có thể ít hơn chứ không nhiều hơn.

vòi quà
vòi quà

Chị Trần Thị Kim Hoa, Chuyên gia giáo dục sớm Facilitator – cố vấn chương trình Kỷ luật tích cực dành cho cha mẹ

Nếu con mặc cả, đòi chi tiêu, mua quà nhiều hơn số tiền quy định bạn cần xử lý theo cách nào?

Nhiều cha mẹ thường trả lời qua quýt: “Nhà mình nghèo không có tiền mua con ạ”, hay “Món này không hay đâu, con đừng mua nữa”. Thậm chí, có cha mẹ quát nạt, quy chụp con là hư hỏng, vòi vĩnh, đòi hỏi.

Nhìn từ góc độ của con trẻ, đây không phải là câu trả lời hay cách xử lý thuyết phục. Trong tình huống con vòi vĩnh, bạn nên dùng chiêu “vừa mềm vừa rắn”, vừa thấu hiểu mong muốn của con, vừa cương quyết. Bạn có thể nói: “Mẹ hiểu là con rất muốn mua món đó nữa đúng không? Nó đẹp thật đấy con nhỉ. Nhưng mức chi tiêu chúng ta đã quy định và sắp xếp hợp lý rồi. Nếu mình mua nhiều hơn, mình sẽ bị lấn sang các khoản khác con à.”

Cùng với quy định về giới hạn chi tiêu, với các bé nhỏ, bạn cũng cần phải đưa ra cho con quy định về số lượng để bé biết và tuân thủ theo. Ví dụ, bạn đưa ra quy định con có thể chọn nhiều thứ song lúc thanh toán chúng ta chỉ chọn 1 món mà thôi. Quy ước ngay từ đầu nên không có tình trạng trẻ lăn lê, khóc lóc, ăn vạ đòi hỏi.

Trong một số trường hợp, dù bé thích hơn một món, bản thân bố mẹ cũng thích và có khả năng chi trả, nhưng tuyệt đối, đừng nên phá vỡ thỏa thuận với bé nhé!

Làm gì khi con khóc lóc, ăn vạ?

Không được sở hữu món quà mình mong muốn, phản ứng đầu tiên của các bé sẽ là khóc lóc, ăn vạ, giận dỗi… Vì xấu hổ, vì thương con, vì không muốn cảm giác tội lỗi khi không mua cho con món đồ có thể trong điều kiện kinh tế của mình, bạn tặc lưỡi làm theo vòi vĩnh của bé.

Tuy nhiên, bạn cần nhớ khả năng trì hoãn sự hài lòng là một trong những yếu tố chính cho sự thành công trong tương lai. Chúng ta có ý định tốt là làm cho con cái chúng ta hạnh phúc. Không may là chúng ta lại làm chúng hạnh phúc ngay lúc này. Về lâu dài lại khiến trẻ khổ sở. Khả năng trì hoãn sự hài lòng có nghĩa là khả năng làm việc dưới áp lực. Vậy nên, dạy trẻ về tiết chế ham muốn, chi tiêu nguyện vọng chính đáng và hợp lý là vô cùng quan trọng.

Công thức chi tiêu công bằng và phù hợp

Cho con hạn mức chi tiêu hàng tháng bao nhiêu cho phù hợp và công bằng với tất cả các con trong gia đình? Chuyên gia Trần Thị Kim Hoa gợi ý một công thức đặc biệt hữu ích giúp các gia đình có thể cân đối được chi tiêu. Các con có thể cảm thấy sự công bằng. Đó là cách chia tiền trên số tuổi.

Cách tính như sau:

Tổng số tiền có thể chi cho việc mua quà là A, tổng số tuổi của các con trong nhà là B. Chúng ta lấy A:B=C và lấy C nhân với số tuổi của các con sẽ ra số tiền cho mỗi bạn. Nghe thì hơi loằng ngoằng nhưng thực ra cách tính này khá đơn giản.

Ví dụ: Nhà có 3 bạn nhỏ: Tuấn 12 tuổi, Lan 8 tuổi và cu Tý 5 tuổi. Và bố mẹ có thể chi 500.000 đồng cho ba bạn đi mua quà.

C = 500.000 / (12+8+5) = 500.000/ 25 = 20.000 đồng

Như vậy số tiền mỗi bạn sẽ được nhận để đi mua quà tương ứng với số tuổi là:

Tuấn (12 tuổi) sẽ được 20.000 đồng x 12 tuổi = 240.000 đồng. Lan 8 tuổi sẽ được 20.000 đồng x 8 tuổi = 160.000 đồng. Và cu Tý 5 tuổi sẽ được 20.000 đồng x 5 tuổi = 100.000 đồng.

Công thức này sẽ giúp các bố mẹ trở nên “công bằng” trong mắt các con và chúng sẽ đỡ thắc mắc. Vì lớn hơn, con cũng sẽ như các anh các chị.

 

Cùng chuyên mục