Giá trị truyền thống của áo dài cưới ở Việt Nam
(Tiepthigiadinh) - Mỗi quốc gia, dân tộc đều có trang phục cưới truyền thống và tại Việt Nam, từ thời xa xưa đã sử dụng áo dài trong dịp lễ đặc biệt này. Ngày nay, bên cạnh nhiều sự lựa chọn, áo dài cưới vẫn xuất hiện như cách gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống.
Áo dài biểu trưng cho nét đẹp duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ Việt được sử dụng trong lễ ăn hỏi, lễ cưới như cách lưu truyền và tôn vinh giá trị truyền thống. Ngoài ra, tại một số vùng miền áo dài còn trở thành lễ phục bắt buộc trong lễ cưới.
Sự khác nhau giữa áo dài cưới và áo dài ăn hỏi?
Thực chất, chúng không có sự khác biệt, nếu có chỉ về khía cạnh tên gọi. Điều này đến từ quá trình thực hiện đám cưới tại Việt Nam gồm hai buổi lễ quan trọng dành cho các cặp đôi, đó là đám ăn hỏi (dạm ngõ) và ngày tổ chức lễ cưới chính thức. Bạn có thể mặc hai chiếc áo dài cưới khác nhau trong lễ ăn hỏi và đám cưới nhưng cũng có thể chỉ diện một bộ. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các thương hiệu cũng cung cấp nhiều lựa chọn về mẫu mã, màu sắc.
Áo dài cưới truyền thống của 3 miền qua các thời kỳ lịch sử
Trang phục cưới thời Nguyễn
Tại miền Bắc Việt Nam, theo nhiều tài liệu, cô dâu nông thôn thường mặc chiếc áo mớ ba tức mặc lồng ba chiếc áo ngũ thân tay chẽn. Chiếc ngoài cùng làm bằng sa một lớp, thấu quang ẩn hiện hai lớp bên trong màu điều, hoa thiên lý hoặc màu vàng và màu xanh ngọc, lót trong cùng là chiếc yếm có dây lụa trắng.
Tại miền Trung, cô dâu cũng mặc lồng hai áo: một điều, một xanh chàm mỏng để tạo thành sắc tím nền nã. Trang sức vòng kiềng, tóc búi chải lật cầu kỳ cùng chiếc quần trắng có phần khác với lối mặc quần thâm ở miền Bắc.
Cuối trào Nguyễn khi các quy định được nới lỏng, nhiều gia đình có điều kiện đã sử dụng dạng thức Nhật Bình cho ngày vui của con gái. Đến tận sau năm 1945, dạng thức áo vẫn còn được duy trì và biến đổi.
Tại miền Nam, cô dâu mặc cặp áo tấc “điều - lục”, đầu đội nón cụ, chân mang hài, quần lĩnh trắng. Kiều áo cưới này vẫn có tồn tại nhiều ở những khu vực từ Huế đổ vào Nam.
Trang phục cưới những năm 1945 - 1975
Trong những năm chiến tranh, những nghi lễ đám cưới cũng được tổ chức đơn giản, gọn gàng tối đa. Áo cưới thường là đồ mới may nhưng không chú trọng kiểu cách, chỉ cần là áo sơ mi, quần tây đơn giản, miễn chỉn chu, gọn gàng. Sau này, khi chất lượng cuộc sống cải thiện hơn, các cán bộ công nhân viên chức có thể lựa chọn mặc áo dài trong ngày trọng đại.
Những năm 1975 - 1990: váy cưới phương Tây
Thời kỳ hội nhập văn hoá các nước trên thế giới, xu hướng áo dài truyền thống cũng thay đổi thành những chiếc đầm dài xoè rộng màu trắng hoặc vàng với phần tay bồng, chiết eo chất liệu là các loại vải mềm voan mỏng.
Từ năm 2000 - nay
Những năm gần đây, cô dâu Việt có xu hướng lựa chọn tà áo dài truyền thống để trở thành điểm nhấn trong dịp trọng đại của cuộc đời.
Những lưu ý khi may và thuê áo dài cưới
Về may áo dài cưới
Nhiều cặp đôi muốn lưu giữ kỷ niệm ngày trọng đại, họ đã lựa chọn may áo dài cưới cho riêng mình. Thậm chí, họ không ngại bỏ ra số tiền lớn để thuê nhà thiết kế nổi tiếng sử dụng chất liệu tốt nhất để phù hợp số đo, phom dáng bản thân.
Tuy nhiên, việc may áo dài cũng tốn kha khá trong kinh phí tổ chức đám cưới nên nhiều người cũng cần cân nhắc kỹ càng tình hình tài chính cá nhân.
Về thuê áo dài cưới
Ưu điểm là sự tiết kiệm chi phí, nhanh chóng và phục vụ được nhu cầu đột xuất. Hơn nữa, việc thuê áo dài cũng giúp các cô dâu lựa chọn được nhiều thiết kế trong các bộ sưu tập chỉ với số tiền bằng một nửa đi may.
Nhược điểm là việc thuê áo dài sẽ gặp phải một số vấn đề như không vừa số đo, bị hỏng một số bộ phận, áo thuê bị cũ,..
Một số mẫu áo dài cưới được sao Việt yêu thích
Tinh tế, nhẹ nhàng có lẽ là xu hướng chung của áo dài cưới trong năm 2022 vừa qua khi nhiều cặp đôi sao Việt lựa chọn. Đám cưới Á hậu Phương Nga và diễn viên Bình An, cô dâu chọn cho mình hai thiết kế áo dài vô cùng duyên dáng trong lễ ăn hỏi. Nếu như bộ áo dài màu xanh mang đến nét dịu dàng, mong manh thì thiết kế với sắc đỏ nổi bật lại tô điểm nét rực rỡ, tươi mới của Phương Nga.
Trong khi đó, cô dâu Minh Hằng đã diện một thiết kế áo dài trắng độc lạ được điểm xuyết những được cắt tinh tế. Thiết kế không hề được đính kết hay thêu ren cầu kỳ nhưng chính những được cut-out tinh xảo đã tạo nên điểm nhấn giúp cô dâu trở nên vừa duyên dáng, vừa gợi cảm khác biệt.
Đám cưới xa xỉ bậc nhất Hà Thành của hoa hậu Đỗ Mỹ Linh và chồng doanh nhân cũng thu hút sự quan tâm của công chúng. Đặc biệt, áo dài cưới cô mặc được thiết kế bởi hoa hậu Ngọc Hân. Chiếc áo mang tên “Thanh Ngọc Ban Mai” được lấy cảm hứng từ những bông hoa mai sương sớm như mô phỏng một khu vườn bằng cách trang trí tỉ mỉ thủ công từng chút.
Thời điểm cuối năm 2022, cô dâu Ngọc Hân đã gây ấn tượng với việc tự thiết kế bao bộ áo dài lấy cảm hứng từ ngày đầu gặp phu quân. Trong đó, bộ áo chính khi làm lễ được đặt tên “Bạch hạc uyên ương” với tà sau dài 3 m, tạo điểm nhấn bằng đôi chim hạc thêu tay và đính kết công phu, phía trước là sen trắng. Thiết kế cách điệu ở phần cổ khoét sâu, hở lưng tay bồng và xuyên thấu. Hai bộ áo còn lại mang tên Bạch Liên Hoa. Áo dài cô dâu mặc khi đón khách được thiết kế với đường cắt phóng khoáng ở cổ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, tạo sự nữ tính với chất liệu vải đũi tơ tằm, kết hợp organza xuyên thấu. Tà áo thêu tay hoạ tiết hoa sen cách điệu, đính cườm ở cánh hoa do 3-4 người thợ thực hiện trong suốt một tháng.
Xu hướng áo dài cưới trong năm 2023
Áo dài cưới dáng suông
Khác với phom áo truyền thống với điểm chiết được ôm thắt vào phần eo, tạo hiệu ứng đồng hồ cát cho người mặc, áo dài cách tân dáng suông được làm ra để tất cả nàng thơ với mọi dáng người đều có thể diện một cách tự tin và thoải mái. Khi diện áo dài cách tân dáng suông, các nàng cần lưu ý phối đồ với những phụ kiện tông sáng để có diện mạo trẻ trung, nữ tính.
Áo dài thêu hoạ tiết
BST tên gọi “Thanh Tân” được lấy cảm hứng từ đám cưới ngày trọng đại của Hân. Bộ sưu tập có cả Áo dài của cả nam cả nữ, những mẫu thiết kế mang cảm hứng tận hưởng cảm xúc của cô dâu mới. Những mẫu áo dài có kiểu dáng lẫn hoa văn rất thanh lịch, cổ điển. Điểm nhấn sáng tạo là những mẫu thêu tinh tế, những chi tiết trang trí.
Áo dài gấm đỏ
Sự sang trọng, thanh lịch của chất liệu gấm vẫn sẽ là xu hướng áo dài cưới của năm 2023. Cảm hứng từ thiết kế áo dài Lemur với chi tiết bó eo kinh điển, NTK Thuỷ Nguyễn đã khéo léo lồng ghép yếu tố hiện đại, khiến tổng thể chiếc áo dài trở nên mềm mại, không đơn điệu.
Áo dài cưới chất liệu ren
Sắc trắng Ivory tạo nên diện mạo sang trọng cùng điểm nhấn chính là chi tiết hoa liti 3D đồng điệu tạo sự hài hoà về tổng thể.
Bài viết này thuộc series Xu hướng thời trang
Cập nhật những xu hướng thời trang thay đổi theo từng mùa để có thể mix quần áo một cách trend nhất