Thứ ba, 11/10/2022, 14:52 (GMT+7)

Áp lực tuổi dậy thì: Làm sao để cùng con vượt qua?

Cha mẹ cần làm gì để có thể đồng hành cùng con trong giai đoạn dậy thì này?

Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là cảm giác mà ai trong số chúng ta cũng từng trải qua một lần trong đời. Đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì đầy nhạy cảm về mặt tâm sinh lý.

Áp lực từ bạn bè đồng trang lứa ở tuổi dậy thì

Nên làm gì để giúp con vượt qua áp lực đồng trang lứa tuổi dậy thì? Ảnh: Shutterstock

“Bạn thật xinh đẹp, nhìn lại mình thì…”, “Con nhà người ta học giỏi quá, còn mình thì sao?”, “Bạn bè đã lén lút hút thuốc, mình có nên thử…” là vô vàn câu hỏi nảy ra trong đầu những đứa trẻ đang đối mặt với áp lực đồng trang lứa.

Peer Pressure là thuật ngữ phổ biến trong tâm lý học. Ở chiều hướng tích cực, áp lực này giúp con trẻ có động lực phấn đấu sao cho bằng bạn bằng bè. Song nó cũng trở thành gánh nặng khiến trẻ cảm thấy mình thua kém. Thông qua việc so sánh bản thân với người khác.

Trẻ em có thể bị stress nhiều hơn bạn tưởng. Trong cuộc khảo sát do WebMD công bố, chỉ có 2-5% bố mẹ đánh giá con mình đang gặp áp lực cực đoan. Nhưng thực tế cho thấy, 42% thanh thiếu niên thừa nhận chúng thường xuyên stress.

Nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa của con trẻ

Tư duy chưa hoàn thiện

Ở tuổi dậy thì, tư duy và nhân cách của trẻ đang dần hoàn thiện. Chúng dễ bị tác động bởi bạn bè và môi trường xung quanh. Sự hạn hẹp trong suy nghĩ khiến trẻ cảm thấy áp lực vì những chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhặt.

Mong muốn được hoà nhập

Bản năng “muốn hoà nhập” với bạn bè vô hình chung tạo nên áp lực cho trẻ. Nếu con tiếp xúc với những người bạn tốt, áp lực đồng trang lứa làm con muốn phấn đấu nhiều hơn. Để được học giỏi và toả sáng như các bạn. Nhưng ngược lại, nếu con ở trong môi trường thiếu lành mạnh. Bạn bè đua đòi và thường thể hiện cái tôi bằng hành động cực đoan như hút thuốc, uống rượu… áp lực đồng trang lứa có thể đẩy con vào cám dỗ.

Đôi khi nguyên nhân nằm ở cha mẹ

Đã bao nhiêu lần bạn đem con mình ra so sánh với “con nhà người ta”? Đôi khi áp lực đồng trang lứa của trẻ con lại đến từ người lớn. Những lời nói dù vô tình hay cố ý cũng sẽ khiến đứa trẻ đặt ra câu hỏi: “Tại sao mình không thể được như người khác”. Thứ áp lực vô hình này ngày càng ăn sâu, tệ hơn nữa là trở thành nỗi ám ảnh với tâm trí trẻ.

Làm gì để giúp con vượt qua áp lực đồng trang lứa?

Khuyến khích sự tự tin của trẻ giúp tránh được phần nào áp lực đồng trang lứa. Ảnh: Shutterstock

Khuyến khích sự tự tin của con

Thay vì so sánh, các bậc phụ huynh nên đánh thức sự tự tin trong con. Bằng cách nói cho trẻ biết rằng nếu cố gắng và nỗ lực hết sức mình thì không gì là không thể. Ví dụ như thành tích học tập tốt của bạn bè là kết quả sau nhiều giờ miệt mài ôn luyện. Sự tự tin và quyết tâm là chìa khoá giúp con mở ra cánh cửa đến với thế giới mới. Bỏ lại sau lưng gánh nặng về áp lực đồng trang lứa.

Giúp con xác định mục tiêu sống rõ ràng

Khi không có mục đích sống, con dễ bị tác động bởi thế giới bên ngoài. Giúp con tìm ra mục tiêu rõ ràng để phấn đấu là cách nhanh chóng thoát khỏi áp lực đồng trang lứa. Mục tiêu không cần quá lớn lao. Đôi khi chỉ đơn giản như học một bộ môn mới hay tập thể dục đều đặn mỗi ngày là đủ.

Hiểu rõ khả năng của con

Mỗi người trong số chúng ta đều có khả năng tiềm ẩn cũng như giới hạn riêng. Chính vì thế phụ huynh nên hạn chế so sánh con mình với “con nhà người ta”. Bởi bé có thể chưa tốt ở phương diện này, nhưng lại đủ khả năng phát huy ở phương diện khác. Hãy đề cao tinh thần học hỏi, giúp con hướng tới những giá trị tích cực của bản thân.

Dạy con chọn bạn mà chơi

Áp lực đồng trang lứa đôi khi là con dao hai lưỡi. Nó thúc đẩy con trẻ phấn đấu vì mục tiêu tốt đẹp. Song cũng có thể đẩy con vào cám dỗ. Sẽ ra sao khi bạn bè xung quanh con tập hút thuốc, uống rượu hay đua đòi theo các hành vi xấu? Con chắc chắn sẽ làm điều tương tự để thoả mãn cảm giác được giống như bạn bè. Vì thế, phụ huynh cần khuyên con chọn bạn mà chơi. Nếu không hậu quả để lại sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Áp lực đồng trang lứa là câu chuyện không của riêng ai. Nghe thì rất trẻ con nhưng nó cũng khiến người lớn phải đau đầu. Đừng để con trẻ phải chịu đựng điều này một mình. Bởi phụ huynh có thể trở thành người bạn, người đồng hành cùng con vượt qua cảm giác tiêu cực trong giai đoạn tuổi ẩm ương.

 

Cùng chuyên mục