Chủ nhật, 18/05/2025
logo
Tiêu dùng thông minh

Đầu tư bất động sản: Sinh lời hay canh bạc rủi ro? Đây là những ưu, nhược điểm cần lưu ý

Thanh Hoa (Theo bankrate.com) Chủ nhật, 18/05/2025, 11:17 (GMT+7)

Việc hiểu rõ cả mặt thuận lợi lẫn bất cập trong đầu tư bất động sản sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt, phù hợp với điều kiện tài chính của mình.

Nhà tập thể ở Hà Nội có giá 'ngang ngửa' với chung cư: Khách hàng khi 'xuống tiền' cần lưu ý gì để tránh rủi ro?

Đầu tư phòng tắm hơi tại nhà: Trải nghiệm spa thư giãn mỗi ngày hay 'cục nợ' đắt đỏ không cần thiết?

Ở nhà thuê cả đời hay mua nhà trả góp? Quyết định này sẽ thay đổi cuộc sống của bạn

Ưu điểm nổi bật khi đầu tư vào bất động sản

Tài sản có giá trị gia tăng lâu dài

Trong bối cảnh dân số tăng, quỹ đất hạn chế và xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ, giá trị bất động sản tại nhiều khu vực có xu hướng tăng ổn định theo thời gian. Đặc biệt ở Việt Nam, tâm lý “ăn chắc mặc bền” khiến bất động sản trở thành kênh trú ẩn tài sản phổ biến cho các hộ gia đình.

Tạo thu nhập thụ động từ cho thuê

Đối với nhà đầu tư có sẵn tài sản cho thuê như nhà trọ, căn hộ, mặt bằng kinh doanh, dòng tiền hàng tháng có thể trở thành một nguồn thu nhập ổn định và lâu dài. Thậm chí, các nền tảng đầu tư tập thể hay REIT (quỹ đầu tư bất động sản) cũng giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận thị trường một cách linh hoạt hơn.

Lợi thế thuế hấp dẫn

Chính sách thuế tại Việt Nam cũng mang đến nhiều ưu đãi cho người sở hữu bất động sản, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất duy nhất hoặc giảm thuế cho bất động sản có mục đích sử dụng cụ thể.

Cơ hội sử dụng đòn bẩy tài chính

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẵn sàng hỗ trợ tài chính dài hạn cho nhà đầu tư bất động sản, cho phép bạn sở hữu tài sản có giá trị lớn chỉ với một phần vốn ban đầu.

Bảo vệ tài sản khỏi lạm phát

Trong bối cảnh giá cả tăng cao, tiền mặt mất giá, việc nắm giữ bất động sản là một cách để duy trì giá trị tài sản ròng của bạn.

dau-tu-bat-dong-san-1707
Đầu tư bất động sản có những ưu, nhược điểm riêng mà bạn cần cân nhắc (Ảnh: Sưu tầm)

Nhược điểm cần cân nhắc trước khi “xuống tiền”

Thanh khoản thấp và chi phí giao dịch cao

Không giống như cổ phiếu hay vàng, bất động sản mất nhiều thời gian để mua bán, đồng thời phải chịu nhiều khoản phí như thuế chuyển nhượng, phí môi giới, công chứng…

Giá trị tài sản có thể biến động

Bất động sản không phải lúc nào cũng tăng giá. Ở các khu vực hạ tầng chưa hoàn thiện hoặc kinh tế suy thoái, giá nhà đất có thể đi ngang hoặc giảm mạnh.

Áp lực trả nợ khi dùng đòn bẩy

Nếu bạn vay ngân hàng để đầu tư, áp lực trả lãi hàng tháng là điều không thể né tránh – đặc biệt nếu bất động sản chưa tạo ra dòng tiền hoặc người thuê thanh lý hợp đồng sớm.

Cần thời gian và công sức quản lý

Việc sở hữu bất động sản cho thuê đòi hỏi bạn phải xử lý các vấn đề phát sinh như bảo trì, thu tiền, tìm khách mới… Nếu không sẵn sàng dành thời gian, đây có thể là gánh nặng không nhỏ.

Rủi ro pháp lý và quy hoạch

Không ít trường hợp nhà đầu tư mua phải đất vướng quy hoạch, tranh chấp hoặc chưa đủ giấy tờ pháp lý. Điều này có thể khiến tài sản bị “đóng băng” trong thời gian dài.

Ai phù hợp để đầu tư bất động sản?

Trước khi đầu tư, bạn nên tự hỏi mình một số câu hỏi quan trọng:

  • Về tài chính: Bạn có đủ khả năng chi trả nếu khoản vay không sinh lời trong vài năm đầu? Bạn có quỹ dự phòng đủ lớn để duy trì cuộc sống mà không phụ thuộc hoàn toàn vào lợi nhuận từ đầu tư?

  • Về kỹ năng và sở thích: Bạn có kỹ năng quản lý tài sản, giao tiếp với người thuê, hiểu pháp lý và thị trường? Bạn sẵn sàng dành thời gian để xử lý các vấn đề phát sinh hay chỉ muốn đầu tư thụ động?

  • Về mục tiêu đầu tư: Bạn đầu tư để giữ tài sản, sinh lời ngắn hạn hay tạo dòng tiền dài hạn? Mục tiêu này sẽ quyết định bạn nên chọn hình thức đầu tư truyền thống, đầu tư qua quỹ REIT hay tham gia các nền tảng online.

Đầu tư bất động sản có thể là một lựa chọn hấp dẫn nếu bạn có tầm nhìn dài hạn, quản lý tài chính tốt và hiểu rõ thị trường. Tuy nhiên, không nên xem bất động sản là “chén thánh” đầu tư cho mọi hoàn cảnh. Để thành công, bạn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên và sẵn sàng điều chỉnh chiến lược khi thị trường thay đổi.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục