Nestlé Việt Nam tự ý "gắn mác" Viện Dinh dưỡng trên bao bì sữa Milo?
Sau khi phát hiện tên mình xuất hiện trong các quảng cáo sữa Milo, Viện Dinh dưỡng đã đề nghị Nestlé Việt Nam gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm quy định của Bộ Y tế.
Gia đình 3 thế hệ sống chung – hạnh phúc hay áp lực?
Công an TP. Hà Nội thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả
Giữa bối cảnh cơ quan chức năng đang siết chặt việc quảng cáo sữa, đặc biệt sau vụ triệt phá đường dây sữa giả, một vụ việc khác đang nổi lên làm xôn xao dư luận. Theo đó, tên Viện Dinh dưỡng - cơ quan chuyên môn uy tín thuộc Bộ Y tế xuất hiện trên các quảng cáo sữa Milo của Nestlé Việt Nam.
Theo quan sát, không khó để thấy sản phẩm sữa Milo uống liền của Nestlé Việt Nam (hộp loại 110ml hoặc loại 180ml) với lời quảng cáo: “Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” được bày bán khắp nơi, từ siêu thị đến các cửa hàng.

Sản phẩm này nhắm đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ và được quảng cáo với những nội dung mà chính Viện Dinh dưỡng buộc phải lên tiếng. Nhất là khi Bộ Y tế đã có văn bản cấm bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Trả lời báo chí liên quan việc tên cơ quan bị gắn mác trong quảng cáo sữa Milo, TS. BS Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, trong năm 2022-2023, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”.
Đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 6/2022 – 3/2023 thuộc nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình (300 nhóm trẻ ở nhóm can thiệp, 276 ở trẻ nhóm chứng tại trường Tiểu học Trường Yên và Ninh Giang (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)).

Thiết kế nghiên cứu là thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng nhằm đánh giá hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại hai trường tiểu học nói trên.
Kết quả cho thấy, sữa Nestlé Milo không giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và trí lực của học sinh, chỉ có tác dụng cải thiện yếu tố thể chất. Tuy nhiên, tên Viện Dinh dưỡng vẫn xuất hiện trên báo bì như sự công nhận chính thức của cơ quan này, dù đây là điều mà Viện không cho phép và chưa đồng thuận quảng cáo thương mại.
Ngày 21/4/2025, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản số 368 gửi Nestlé Việt Nam về việc “rà soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong truyền thông”.
Trong đó, Viện Dinh dưỡng nêu rõ yêu cầu “Công ty kiểm tra, rà soát các nội dụng truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm, nếu có bất lỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định, đề nghị gỡ bỏ ngay nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cho cộng đồng”.

Căn cứ theo Điều 7, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, mọi nội dung quảng cáo thực phẩm phải trung thực, chính xác, không gây hiểu nhầm, đặc biệt không được sử dụng tên, hình ảnh, uy tín của cơ sở y tế, cán bộ y tế để quảng cáo sản phẩm nếu không được phép.
Như vậy, việc sản phẩm sữa Nestlé Milo sử dụng tên "Viện Dinh dưỡng" - một cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế, trong các nội dung quảng cáo có dấu hiệu vi phạm.
Việc đưa tên Viện Dinh dưỡng trên bao bì sữa Milo có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm, khi cho rằng sản phẩm này đã được tổ chức y tế của nhà nước nghiên cứu và công bố. Ngoài việc gắn mác Viện Dinh dưỡng, việc nghiên cứu thử nghiệm trên trẻ em tiểu học cũng gây tranh cãi, khi đây là đối tượng dễ bị tổn thương.
Tạp chí Tiếp thị và Gia đình đã liên hệ với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam để làm rõ một số nội dung về việc tên Viện Dinh dưỡng xuất hiện trên bao bì sữa Milo, nhưng đến nay Nestlé Việt Nam chưa phản hồi.
Bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng
Trong văn bản số 2310/BYT-ATTP, Bộ Y tế cho biết, hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy, việc làm trên là vi phạm quy định của pháp luật.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2310/BYT-ATTP ngày 17/4/2025.
Tại công văn này, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các viện trực thuộc Bộ Y tế; các trường đại học, cao đẳng y, dược trực thuộc Bộ Y tế; các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động của đơn vị đã nghỉ công tác) về tình trạng trên.
Đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.