Du lịch Buôn Ma Thuột và tìm hiểu 5 nét văn hóa đặc trưng đặc sắc
Nếu có một ngày bạn cảm thấy ngột ngạt với nhịp sống bộn bề nơi phố thị, hãy gác lại tất cả và xách ba-lô du lịch Buôn Ma Thuột nhé.
Buôn Ma Thuột là nơi tập trung khá đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ê Đê, M’Nông, Ba Na, K’Ho… Vì lẽ đó, văn hóa phố núi này mang đậm bản sắc của những dân tộc thiểu số. Có dịp du lịch Buôn Ma Thuột, bên cạnh việc vui chơi, chụp hình; hãy dành thời gian tìm hiểu 5 nét văn hóa đặc sắc nhất này nhé!
Văn hóa cà phê
Văn hóa cà phê ở Buôn Ma Thuột có từ rất lâu. Đây là loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu nông nghiệp ở địa phương; và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam. Chính loại cây này đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất Ban Mê. Vô số hương vị cà phê đậm đà là nét đặc trưng tạo nên truyền thống văn hóa lâu đời này. Du lịch Buôn Ma Thuột, bạn sẽ có dịp nếm thử đủ loại cà phê; sau đó chọn mua những hương vị mình thích nhất để đem về thưởng thức cũng như làm quà cho người thân.
Nét độc đáo của văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột là song song với hoạt động thưởng thức cà phê; du khách còn được hòa mình cùng nhiều hoạt động văn hóa khác như múa lân; voi mang biểu tượng cà phê, vũ điệu cồng chiêng, hành trình du lịch cà phê, hội đua voi, đua thuyền độc mộc… Nếu tự tin về tài pha chế của mình; đừng bỏ qua Hội thi pha chế cà phê rất thú vị.
Văn hóa cà phê đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân Buôn Ma Thuột. Họ mong muốn văn hóa này sẽ được bảo tồn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; đồng thời quảng bá văn hóa cà phê của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Văn hóa đua voi
Văn hóa đua voi sẽ đưa du khách khám phá nét văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Nét văn hóa này bắt nguồn từ Buôn Đôn – cái nôi của hoạt động săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Ý nghĩa của văn hóa đua voi là để người dân ăn mừng, cầu bình an; hy vọng gặt hái được nhiều may mắn, mùa màng bội thu trong năm tới.
Khoảng 20 – 30 chú voi to lớn sẽ thi đấu cùng nhau. Không chỉ thể hiện sức bền trên đường đua, các chú voi còn phải vượt qua chướng ngại vật là những con dốc ngoằn ngoèo và những dòng sông lớn. Hồi hộp, gay cấn, thót tim – đó là cảm xúc của những ai có dịp dõi theo cuộc đua của các chú voi thiện chiến; dưới sự điều khiển thuần thục của người ngồi trên lưng voi.
Những ngày không có trận đua, những chú voi ấy sẽ đảm nhận nhiệm vụ chở khách du lịch đi tham quan buôn làng. Du khách sẽ được ghé thăm Bản Đôn, thác Dray Nur; vườn quốc gia Yok Đôn và thưởng thức những món ăn đặc sản Tây Nguyên. Các hoạt động bên lề như lễ cúng nước, lễ cúng sức khỏe cho voi; voi thi đá bóng, voi thi chạy, voi thi bơi… cũng diễn ra sôi nổi, hứa hẹn thu hút hàng nghìn du khách tham gia.
Văn hóa cúng bến nước
Văn hóa cúng bến nước của người dân Buôn Ma Thuột nhằm mục đích cầu thần linh ban cho mưa thuận gió hòa; sức khỏe dồi dào, thóc đầy nhà, ngô đầy sân.
Từ bao đời nay, người dân Buôn Ma Thuột đã có truyền thống trân trọng nguồn nước hơn cả hạt muối, hạt gạo. Dù hôm nay, nguồn nước máy đã hiện diện ở từng buôn làng nhưng mỗi khi cần nước để làm rượu cần hay thờ cúng, người dân vẫn lấy từ bến nước vì họ quan niệm, nguồn nước này tuyệt đối tinh khiết, trong lành. Văn hóa cúng bến nước vì thế có ý nghĩa rất lớn trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường sinh thái đến với tất cả mọi người.
Trước khi lễ cúng diễn ra, chủ bến nước sẽ phân công dân làng mỗi người mỗi việc. Thanh niên làm vệ sinh khu vực bến nước và kiểm tra nguồn nước. Phụ nữ, người già dọn dẹp nhà cửa, đường làng. Trong ba ngày diễn ra lễ cúng, bà con sẽ tập trung đông ở bến; dâng lễ cúng rồi trở về nhà chủ bến nước làm lễ cúng thần đất. Văn hóa cúng bến nước khép lại với hoạt động ăn uống, hát dân ca; thổi nhạc cụ truyền thống của người dân, thường đến nửa đêm mới kết thúc.
Văn hóa cồng chiêng
Năm 2005, văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Hoạt động văn hóa này có nguồn gốc từ rất lâu đời. Các nhà nghiên cứu cho rằng cồng chiêng chính là hậu duệ của đàn đá. Trước đó, các loại khí cụ bằng đá như cồng đá, chiêng đá… được sử dụng phổ biến. Sau này tới thời đồ đồng, những chiếc cồng chiêng bằng đồng mới lên ngôi.
Đi sâu tìm hiểu văn hóa cồng chiêng, bạn sẽ hiểu vì sao không gian văn hóa này lại được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh đống lửa; trên tay cầm những chiếc cồng chiêng vang vọng núi rừng đã trở thành biểu tượng của vùng đất cao nguyên. Ở đó, cồng chiêng trở thành phương tiện duy nhất để con người thông linh với thần; giao thoa với trời đất và giao tiếp với người xung quanh.
Có khoảng 40 – 50 người điều khiển các nhạc cụ khác nhau. Mỗi người chơi một nốt và một tiết tấu. Tất cả hòa nhịp cùng nhau thành một bản hòa ca quyến rũ. Nét đặc biệt của văn hóa cồng chiêng là nghe tiếng cồng, người ta có thể đoán biết những niềm vui; nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Mỗi tộc người có một cách riêng để chơi những bản nhạc riêng của dân tộc mình. Văn hóa cồng chiêng vì thế ngày càng trở nên độc đáo và hấp dẫn theo thời gian.
Văn hóa ăn cơm mới
Cứ sau mỗi mùa thu hoạch vào dịp cuối năm Âm lịch, người dân vùng cao lại tổ chức lễ ăn cơm mới; vừa để tạ ơn trời đất cho mình một mùa bội thu; vừa chung vui hưởng thành quả của một năm lao động vất vả. Giống như Tết Nguyên đán của người Kinh, lễ ăn cơm mới được xem như dịp lễ Tết lớn nhất năm của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Điểm đặc biệt của văn hóa này là không diễn ra đồng loạt mà được tổ chức tuần tự từ nhà này sang nhà khác; theo trật tự đã thỏa thuận trước. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy nhà này ăn mừng lớn trong suốt nhiều ngày; còn nhà kia chỉ ăn mừng nhỏ một ngày là hết. Bởi lẽ, việc tổ chức lễ lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào mức độ thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình trong buôn. Điều đó có nghĩa là, gia đình nào càng có nhiều bà con, họ hàng, bạn bè đến tham dự lễ ăn cơm mới của mình, chứng tỏ gia đình đó vừa có một vụ mùa bội thu.
Ngoài việc cúng thần, hồn lúa và tổ tiên; lễ ăn cơm mới còn là dịp để gia chủ và khách khứa hòa nhịp cùng các hoạt động vui chơi văn hóa; như ăn uống, hát hò, đánh cồng, chiêng, trống thâu đêm. Trong những ngày diễn ra lễ ăn cơm mới, người dân các bản làng chỉ có hai việc là ăn và chơi. Tuyệt đối không đụng đến công việc đồng áng. Họ vui chơi thỏa thích, ăn uống no say. Để rồi khi lễ hội khép lại, mọi người càng thêm hăng hái; phấn khởi để bắt tay vào một vụ mùa với nhiều hy vọng mới.
Ẩm thực núi rừng trứ danh
Du lịch Buôn Ma Thuột, ngoài việc khám phá cảnh đẹp thiên nhiên; đừng quên dừng chân tại các nhà hàng để thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng. Một số món ngon đặc sắc nhất như bún đỏ, gà nướng Bản Đôn ăn kèm với cơm lam, lẩu rau rừng; cá bống thác kho riềng, canh chua cá lăng, bò nhúng me…
Lịch trình lý tưởng cho chuyến du lịch Buôn Ma Thuột 3 ngày 3 đêm
Nếu có nhiều thời gian hơn, bạn sẽ có nhiều khám phá và trải nghiệm hơn khi du lịch Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, TTGĐ gợi ý bạn lịch trình ngắn chỉ 3 ngày, rất phù hợp để bạn “khăn gói” lên đường vào cuối tuần.
Ngày 1: Cụm 3 thác Dray Sap, Dray Nur và Gia Long
Cụm ba thác này nằm trên con sông Sêrêpôk nổi tiếng hùng vĩ của Buôn Ma Thuột, cách thành phố 25 km theo quốc lộ 14. Thác Dray Sap được gọi là thác Chồng còn Dray Nur là thác Vợ. Hai con thác này có dòng nước chảy khá mạnh và lớn; tạo nên một cảnh tượng nước tung trắng xóa vô cùng hùng vĩ.
Riêng thác Gia Long nằm tách biệt gần với đập thủy điện Buôn Kuốp. Hệ sinh thái quanh khu vực thác Gia Long rất phong phú. Đường đến thác có vô số cây cổ thụ, tuổi thọ đến trăm năm. Những cây kiền kiền, bạch tùng, du sam, chò xót… với tán cây rộng lớn và cao vút. Rừng nguyên sinh được bảo tồn nghiêm ngặt.
Ngày 2: Hồ Lắk, Làng cà phê
Một khi đã đi du lịch Buôn Ma Thuột thì không thể không đến hồ Lắk. Hồ được mệnh danh là hòn ngọc của núi rừng cao nguyên. Đây là hồ tự nhiên lớn thứ 2 Việt Nam. Nếu đến đây vào buổi bình minh, ánh sáng mặt trời nhẹ nhàng; mặt hồ gợn sóng hòa cùng âm thanh líu ríu của những chú chim đón chào ngày mới. Nếu đến vào lúc hoàng hôn; bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ nét về âm thanh của núi rừng. Tiếng chim hót thưa dần. Thay vào đó là những tiếng đập cánh bay về tổ.
Làng cà phê Trung Nguyên là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên. Nơi này có không gian kiến trúc độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để tham quan Bảo tàng Cà phê Thế giới; Bảo tàng dân tộc, thưởng thức cà phê trong 3 gian nhà cổ Cherry, Arabica và Robusta xây dựng theo phong cách cung đình Huế.
Ngày 3: Buôn Đôn
Có thể bạn chưa biết, bài hát “chú voi con ở Bản Đôn” nói về một địa danh du lịch có thật tại tỉnh Đắk Lắk. Đó chính là Bản Đôn, hay còn gọi là Buôn Đôn – một ngôi làng bình yên nằm bên sông Sêrêpôk. Nếu là người yêu thích khám phá thiên nhiên, bạn có thể trải nghiệm đi Cầu treo qua dòng Sêrêpôk; ngắm vườn cảnh Trohbư với muôn loài cây hoa tuyệt đẹp, chiêm ngưỡng thác nước bảy nhánh; hoặc chinh phục vườn quốc gia Yok Đôn.
Nếu là người yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử; bạn có thể tìm hiểu về bản sắc dân tộc của các buôn làng trong bản; tham quan kiến trúc nhà rông đặc trưng Tây Nguyên; hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng. Một hoạt động cực kỳ thú vị mà bạn đừng bỏ lỡ. Đó chính là tận mắt ngắm nhìn những chú voi Tây Nguyên; trải nghiệm cưỡi voi lội qua dòng Sêrêpôk.
Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình
Bài viết này thuộc series Góc Quote
Series về những triết lý sáng tạo và phương pháp làm việc của những cái tên lớn.