Chủ nhật, 18/05/2025
logo
Tiêu điểm

Truy quét mỹ phẩm 'nổ' quảng cáo trên mạng không rõ nguồn gốc

Hồng Phúc Thứ bảy, 17/05/2025, 21:17 (GMT+7)

Trước tình trạng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật và vi phạm quy định ghi nhãn tràn lan, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo uy tín ngành mỹ phẩm trong nước.

Ngày 17/5/2025, Bộ Y tế cho biết, qua công tác hậu kiểm và phản ánh từ người tiêu dùng, báo chí, tình trạng kinh doanh mỹ phẩm kém chất lượng đang diễn biến phức tạp. Các sản phẩm “xách tay”, hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, cùng với hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực mỹ phẩm, đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Theo Bộ Y tế, những vi phạm này không chỉ đe dọa sức khỏe người dân, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mà còn làm suy giảm uy tín của ngành mỹ phẩm Việt Nam.

z6611425057802_c60baa3bf74a40a89d90ef39aa405d32-1810
Công an Hà Nội triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc và thực phẩm chức năng giả. (Ảnh: CACC)

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Công tác kiểm tra tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không được công bố theo quy định pháp luật; Mỹ phẩm quảng cáo sai sự thật, ghi nhãn không đúng quy định; Hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Bộ Y tế nhấn mạnh cần hậu kiểm thường xuyên các sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên thị trường thông qua lấy mẫu kiểm nghiệm. Các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng hoặc không an toàn phải bị thu hồi và tiêu hủy triệt để. Các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường phối hợp liên ngành giữa y tế, công an, quản lý thị trường, hải quan, thuế và Ban Chỉ đạo 389 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Đồng thời, các địa phương cần rà soát, hoàn thiện quy định để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này.

1746612399-258-thumbnail-width740height495_anh_cat_3_2_schema_article
Đoàn Di Băng thường xuyên quảng cáo sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo cũng vừa bị đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.

Thời gian qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tục phát đi thông báo thu hồi, đình chỉ lưu hành nhiều lô mỹ phẩm không đạt chất lượng.

Đơn cử, ngày 16/5, Cục yêu cầu thu hồi lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g, số lô: 0010125) do chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không đúng với kết quả kiểm nghiệm (SPF 2,4). Sản phẩm này do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm đưa ra thị trường và Công ty TNHH EBC Group (Đồng Nai) sản xuất.

Trước đó, ngày 7/5, Cục Quản lý Dược phát hiện lô dầu gội Hanayuki (chai 300g) do công ty trên phân phối không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật và chứa chất 2-Phenoxyethanol không có trong thành phần công thức đã công bố. Sản phẩm này từng được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Hồi tháng 4, cơ quan này tiếp nhận đơn tố cáo bà Chu Thanh Huyền (vợ cầu thủ Nguyễn Quang Hải) kinh doanh bộ mỹ phẩm nước hoa hồng Ohui Prime (Hàn Quốc) không có nhãn phụ tiếng Việt, không xuất hóa đơn bán hàng, có dấu hiệu tiêu thụ hàng nhập lậu, trốn thuế. Vụ việc đã được chuyển đến Chi cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương TP Hà Nội để xử lý.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục