Những loại thực phẩm ảnh hưởng không tốt tới não bộ của trẻ
Thức ăn nhiều màu nhân tạo, chứa nhiều cafein, chất béo chuyển hóa… có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển não bộ của trẻ.
Dinh dưỡng có ảnh hưởng toàn diện đến sức khỏe thể chất lẫn trí não của trẻ. Đây là yếu tố quyết định nguy cơ thừa cân, béo phì, mắc các bệnh mạn tính, tác động đến não theo 2 hướng tích cực hay tiêu cực.
Ví dụ, theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, một chế độ ăn nhiều đường trong thời thơ ấu có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ ở tuổi trưởng thành. Trẻ em có thói quen tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt chứa nhiều calo, chất béo bão hòa có thể tác động xấu đến sự phát triển trí nhớ, cảm xúc. Bởi ở trẻ em, phần não chính đang phát triển là phần vỏ não trước trán chịu trách nhiệm về trí nhớ, sự chú ý, kiểm soát xung động, cảm xúc.
Ngoài ra, tác động của đồ ăn vặt đối với sự phát triển của vỏ não trước trán có thể chi phối khả năng tự điều chỉnh lựa chọn thức ăn của trẻ. Cụ thể, bé có thể bị giảm khả năng kiểm soát việc ăn uống, hoặc dẫn đến những lựa chọn ăn uống không lành mạnh ở tuổi trưởng thành.
Theo đó, bác sĩ Tùng đưa ra 5 nhóm thực phẩm có thể có tác động xấu đến não bộ của trẻ bao gồm:
Thức ăn nhanh: Những món đồ ăn nhanh phổ biến trẻ yêu thích là đồ chiên rán, chế biến sẵn như khoai tây chiên, pizza đóng gói, mì gói... Những thực phẩm này có thể tác động không tốt đến sức khỏe thể chất lẫn trí não, liên quan đến tính khí thất thường, thay đổi hành vi của bé. Cha mẹ nên hạn chế, cố gắng cho trẻ ăn các loại thực phẩm tươi, nguyên chất.
Thực phẩm nhiều màu sắc nhân tạo: Màu nhân tạo trong các loại thức ăn quá sặc sỡ như thạch đóng gói, kẹo nhiều màu... có thể liên quan đến một loạt vấn đề về nhận thức, bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo lắng, đau đầu ở trẻ em. Điều này trở thành yếu tố chính gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sự phát triển của trẻ. Hầu hết thực phẩm nhiều đường cũng đều chứa phẩm màu nhân tạo, có thể gây hại cho sức khỏe toàn cơ thể.
Thực phẩm nhiều đường: Hầu hết tất cả trẻ em yêu thích kem, bánh ngọt, nước ngọt, bánh kẹo. Lượng đường dư thừa có thể trở thành nguyên nhân gây ra chứng hiếu động thái quá, ảnh hưởng đến sự thèm ăn của trẻ. Trẻ dễ béo phì kéo theo các hệ quả khác về trí não như kém linh hoạt, mệt mỏi. Lạm dụng đường cũng có thể gây đau bụng, làm suy yếu khả năng miễn dịch.
Thực phẩm hoặc đồ uống giàu cafein: cafein là một chất tìm thấy tự nhiên trong sô cô la, trà và cà phê, thường được thêm vào đồ uống có ga, một số loại thuốc thông thường. Thực phẩm là một chất kích thích có thể gây nguy hiểm với số lượng cao - ngay cả đối với người lớn. Tuy nhiên, trẻ em nhạy cảm hơn với cafein, do đó hàm lượng hấp thu không nên quá 45 mg mỗi ngày. Tiêu thụ cafein quá mức có thể gây ra hiện tượng bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, tăng động, đau đầu hoặc đau dạ dày. Tất cả đều có hại cho sự phát triển tinh thần, sức khỏe tổng thể của bé.
Thực phẩm nhiều chất béo chuyển hóa: Chất béo chuyển hóa là một thành phần có hại cho sức khỏe, được chứng minh ảnh hưởng xấu đến trí nhớ. Chúng làm tăng chứng viêm trong não của trẻ. Ngoài ra, bằng cách làm giảm sản xuất serotonin, chúng cũng có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm. Những thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa cũng làm tăng mức cholesterol "xấu" trong máu của trẻ, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Bác sĩ Duy Tùng cho biết thêm, một chế độ ăn uống lành mạnh cho sự phát triển não bộ của trẻ bao gồm nhiều chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate (không phải carbs tinh chế), chất béo lành mạnh, sắt, vitamin A, C, D và vitamin B. Các loại thực phẩm như rau xanh, sữa chua, cá béo, trứng là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho não bộ của trẻ.
Yếu tố tăng cường trí não chính có thể cung cấp cho trẻ thông qua thực phẩm là chất béo tốt. Bộ não của chúng ta sử dụng chất béo tự nhiên để duy trì màng tế bào, hoạt động bình thường. Vì vậy, phụ huynh nên đưa vào chế độ ăn thực phẩm có chứa: chất béo không bão hòa đơn (dầu ô liu, dầu mè, bơ đậu phộng, các loại hạt, hạt và quả bơ); axit béo thiết yếu - Omega 3 và Omega 6 trong các loại hạt và hạt, thịt động vật ăn cỏ và trứng gà thả rông; chất béo bão hòa tự nhiên có trong dừa và dầu cọ, lòng đỏ trứng, bơ và kem.
Phụ huynh kích thích trí nhớ của trẻ với choline từ thực phẩm bao gồm: trứng, dầu cá, gan, đậu nành, đậu phộng, bơ, khoai tây, súp lơ, đậu lăng, yến mạch, hạt mè và hạt lanh. Ba mẹ cũng tăng cường trí não giúp tăng cường khả năng nhận thức ở trẻ em, với các loại quả mọng, anh đào, nho đen, cà tím, nho đỏ, tím và đen, hành tím, táo đỏ, củ cải đường, hành tây, cải xoăn, tỏi tây, cà chua bi, bông cải xanh, quả việt quất và mơ.