Quảng cáo sai sự thật: ‘thần y’, ‘thần dược’, ‘nhà tôi 3 đời’ được loại bỏ YouTube
Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Google và đi đến giải pháp là phát triển một thuật toán chặn lọc. Đến nay, các quảng cáo “thần y”, “nhà tôi ba đời” trên YouTube gần như không còn.
Thời gian gần đây, quảng cáo trên mạng đang phát triển vô cùng nhanh chóng, trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn nhờ khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Thông qua việc chèn quảng cáo vào các trang mạng xã hội để tếp cận đến những người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm này, quảng cáo xuyên biên giới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vấn đề đối với cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Tại Hội nghị đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2022, ngày 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đàm phán với Google trong việc gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng phương thức nhanh hơn. Nhờ cơ chế mới, chỉ trong 6 tháng cuối năm đã có hơn 2.000 quảng cáo phóng đại, sai sự thật bị gỡ bỏ, nhiều hơn 3 năm trước cộng lại.
Những video mang nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh trở thành chủ đề "nóng" tại Lễ ra mắt cẩm nang phòng chống tin giả trên không gian mạng tại Việt Nam, chiều 27/12. Tại sự kiện, có ý kiến cho rằng, quảng cáo như trên, trong một số trường hợp cũng là tin giả, tin sai sự thật xuất hiện trong thời gian dài, thậm chí còn nguy hiểm bởi chúng liên quan đến sức khỏe con người, dễ tiếp cận đến những người nhẹ dạ cả tin.
Ông Lê Quang Tự Do Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các quảng cáo theo dạng “nhà tôi 3 đời chữa bệnh” hay “cam kết chữa khỏi” từng tràn lan trên YouTube. Dạng quảng cáo này nhắm đến những người bệnh cả tin, nhằm lôi kéo họ mua các thuốc hoặc liệu trình chữa bệnh “gia truyền” không an toàn và chưa được cấp phép.
Tuy nhiên, tình trạng trên đã giảm trong ba tháng trở lại đây sau khi có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan. Ngoài làm việc với Bộ Y tế để xác minh các loại thuốc, nhà thuốc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Google và đi đến giải pháp là phát triển một thuật toán chặn lọc.
Khi cơ quan quản lý của Việt Nam phát hiện một nội dung quảng cáo "thần y" như vậy gửi cho Google, họ sẽ dùng thuật toán tìm các video tương tự để ngăn chặn. Các chuyên gia về quảng cáo khi ấy đánh giá, người đứng sau có thể đã chọn phương thức quảng cáo "mass" - tức là đưa các nội dung này phủ sóng rộng nhất có thể, không cần biết người xem có nhu cầu hay không. Do đây là ngành có lợi nhuận cao, các chủ cơ sở chấp nhận chi tiền để hiển thị quảng cáo nhiều nhất có thể, hoặc cũng có thể đã mua quảng cáo từ những tài khoản bị hack trên thị trường chợ đen.
Chính sách của Google cũng hạn chế quảng cáo thuốc theo toa được phân phối trên nền tảng của họ. Tuy nhiên khi ấy, đại diện Google không giải thích vì sao các quảng cáo thuốc nói trên vẫn được duyệt. Đơn vị này chỉ khẳng định "khi phát hiện quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ"
Nhờ sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng mà thời gian này khán giả xem Youtube gần như không còn phải nghe văng vẳng bên tai câu: "Nhà tôi 3 đời là thần y, bệnh gì cũng chữa , khỏi là khỏi dứt điểm không bao giờ tái lại...". Điều này đã phần nào giúp mạng xã hội được "thanh lọc", hạn chế những clip quảng cáo "câu dẫn" dễ làm người dân ngây thơ tin vào khiến tiền mất tật mang.
- Sự cần thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật về quảng cáo
- Chưa có cơ sở khẳng định doanh thu ngành quảng cáo 1.500 triệu USD?