Chưa có cơ sở khẳng định doanh thu ngành quảng cáo 1.500 triệu USD?
Trên thế giới, ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đã phát triển từ khá lâu và mang lại cho nền kinh tế của các nước phát triển một nguồn lợi không nhỏ.
Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố năm 2017, doanh thu của ngành CNVH và sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại (29,5 triệu việc làm so với 25 triệu). Trong đó, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, doanh thu của ngành này là 743 tỷ USD và tạo việc làm cho 12,7 triệu lao động.
Ở phạm vi hẹp hơn, tầm quốc gia, tại Anh, CNVH tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 - 15% thị phần CNVH thế giới. Tại Đức, báo cáo năm 2019, một năm trước đại dịch Covid-19, cho thấy, ngành này mang về tổng doanh thu 174,1 tỷ euro và tạo việc làm cho khoảng 1,8 triệu người, trong đó, doanh thu cao nhất đến từ mảng phần mềm/trò chơi với hơn 50 tỷ euro. Ở Ấn Độ, doanh thu từ điện ảnh là 3,6 tỷ USD, trong khi tại Nhật Bản, CNVH chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế, trong đó, thị trường truyện tranh và tạp chí hằng năm mang về khoảng 3,2 tỷ USD…
Những con số này đủ để chúng ta thấy sức mạnh khủng khiếp của ngành CNVH - đang là “con gà đẻ trứng vàng” tại nhiều quốc gia và kết quả cuối cùng là dịch vụ, sản phẩm văn hóa của họ nở rộ, xuất khẩu đi khắp nơi.
Ở nước ta, đã từng coi du lịch là ngành công nghiệp xanh, quảng cáo là ngành công nghiệp “trắng”... nhưng nhiều ngành trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vẫn chỉ được coi là những ngành hoạt động tinh thần, ít mang lại lợi ích kinh tế, thậm chí còn gây tốn kém ngân sách nên chưa được quan tâm đúng mức.
Rất may là trong quá trình vận hành nền kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã coi văn hóa là động lực phát triển kinh tế nên đã có sự chấn chỉnh kịp thời và được thể hiện cụ thể bằng văn bản chỉ đạo, điều hành.
Trong đó Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 09 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là một quyết định rất quan trọng.
Với Quyết định 1755/QĐ-TTg, 12 ngành trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo đã được khẳng định là những ngành công nghiệp văn hóa và là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân có chiến lược chung và những mục tiêu, giải pháp rất cụ thể cho từng ngành.
Từ khi Quyết định 1755/TTg được ban hành, tuy thời gian còn ngắn nhưng chúng tôi cũng nhận thấy Quyết định đã tạo ra sự chuyển biến khá rõ rệt về nhận thức và hành động trong cộng đồng đối với các ngành CNVH.
Trước hết, cơ quan quản lý các cấp, các ngành đã đồng loạt triển khai các quyết định, chương trình, kế hoạch của đơn vị để thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg, đồng thời có sự hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện hơn đối với các ngành CNVH trong phạm vi quản lý của mình.
Với những tổ chức, cá nhân hoạt động trong các ngành CNVH thấy được sự quan tâm, khích lệ, đôi cánh sáng tạo đã được cởi bỏ khiến họ yên tâm bám nghề, và hăng hái hơn trong hoạt động sáng tạo, tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế của địa phương, của đất nước. Từ đó, xã hội cũng đã có sự nhìn nhận tích cực hơn, cổ vũ, hưởng ứng, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trong các hoạt động văn hóa, sáng tạo.
Về phía Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của Quyết định 1755/QĐ-TTg đối với ngành quảng cáo nên ngay khi Quyết định được ban hành và công bố, Hiệp hội đã nhanh chóng phổ biến cho hội viên thông qua trang Web, email nội bộ hoặc lồng ghép nội dung Quyết định 1755/QĐ-TTg qua các cuộc hội nghị, hội thảo của Hiệp hội để hội viên thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và gắn với trách nhiệm của Hiệp hội, của hội viên trong việc thi hành Quyết định này.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo v/v xây dựng thương hiệu Quốc gia về quảng cáo; phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam mang tầm Quốc gia; mở một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn theo yêu cầu của cơ sở.
Mặt khác, Hiệp hội luôn khuyến khích, động viên và kịp thời biểu dương, quảng bá việc hội viên nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc sáng tạo, sản xuất, phổ biến các sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Do vậy, trong mấy năm gần đây bằng các hình thức, phương tiện đa dạng, bằng sự năng động sáng tạo của mình, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đưa ra nhiều sản phẩm quảng cáo mới, số hóa hiện đại, tiên tiến không thua kém thế giới đã được ứng dụng và phát triển tại thị trường Việt Nam, góp phần tích cực trong việc thu hút đầu tư, phát triển thị trường và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy việc triển khai Quyết định 1755/QĐ-TTg còn một số hạn chế nhất định, cụ thể là:
Thứ nhất: Công tác phổ biến, nâng cao nhận thức về Quyêt định 1755/QĐ-TTg chưa được sâu rộng. Các cơ quan quản lý còn chưa thật sự quyết liệt trong việc triển khai. Tham khảo Kế hoạch triển khai Quyết định 1755/TTg của các cấp, các ngành cũng như của các cơ quan chức năng, Hiệp hội nhận thấy phần lớn các kế hoạch còn rất chung chung, hình thức; nặng về lý thuyết; thiếu chỉ tiêu phấn đấu trong từng giai đoạn, thiếu giải pháp cụ thể, hữu hiệu. Vai trò của các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực CNVH một đối tượng quan trọng để thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg một cách hiệu quả thì chưa được quán triệt đầy đủ, chưa được huy động, giao nhiệm vụ rõ ràng.
Thứ hai: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng ngành còn yếu, khó có căn cứ cho việc hoạch định kế hoạch phát triển cho mỗi giai đoạn.
Riêng ngành quảng cáo hiện có bao nhiêu doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo? Doanh thu quảng cáo hàng năm của cả nước, từng loại hình, của mỗi địa phương là bao nhiêu? Cơ sở nào, biện pháp nào để ngành quảng cáo đạt chỉ tiêu doanh thu 1.500 triệu USD năm 2020 và 3.200 triệu USD vào năm 2030, đóng góp bao nhiêu % vào GDP cả nước, bao nhiêu % cho GDRP của địa phương?... đều là những thống kê cơ bản, cần thiết nhưng từ lâu vẫn chưa có cơ quan nào cung cấp được một cách đầy đủ, chính xác, tin cậy.
Thứ ba: Các văn bản quản lý Nhà nước còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, làm ảnh hưởng đến mục tiêu do Quyết định 1755/TTg đề ra. Riêng ngành quảng cáo trong báo cáo tổng kêt 5 năm và 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo, Hiệp hội đã tổng hợp và đưa ra nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đang chờ các cơ quan quản lý, xem xét, giải quyết. Đặc biệt, Luật Quảng cáo đã triển khai được 10 năm, đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế. Hiệp hội và các hội viên đã đề xuất sửa đổi, bổ sung vào 28/43 điều trong Luật Quảng cáo.
Kiến nghị, đề xuất chung
Hiệp hội đề nghị các cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành cần căn cứ vào những mục tiêu, nhiệm vụ do Quyết định 1755/TTg giao cho để đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và xây dựng một kế hoạch hoặc một chiến lược riêng của từng ngành một cách toàn diện, cụ thể để thực hiện Quyết định 1755/TTg được hiệu quả.
Đề nghị tăng cường mạnh mẽ các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội, trong các ngành, các cấp, trong các doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp liên quan đến các ngành CNVH. Một trong những hình thức phổ biến, rất có hiệu quả xã hội là ngoài việc khuyến khích các ngành CNVH tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm của riêng từng ngành thì hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch nên tổ chức một cuộc hội chợ, triển lãm Quốc gia có tính tổng hợp giới thiệu cho công chúng những thành tựu mới, xuất sắc của 12 ngành CNVH.
Đề nghị các cơ quan quản lý nhanh chóng có sự rà soát, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các văn bản chưa đồng bộ, còn chồng chéo, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, cho từng giai đoạn.
Đề nghị các cơ quan quản lý nên tận dụng, phát huy tiềm năng của các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp trong việc thực hiện Quyết định 1755/TTg.
Kiến nghị, đề xuất cho ngành công nghiệp quảng cáo
Nói về vị trí, chỉ tiêu doanh thu của chính phủ giao cho 12 ngành CNVH tại Quyết định 1755/QĐ-TTg thì ngành quảng cáo chỉ đứng sau ngành du lịch văn hóa: Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020 ngành quảng cáo đạt khoảng 1.500 triệu USD (ngành du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong tổng số khoảng 18.000 - 19.000 USD doanh thu từ khách du lịch.); năm 2030 ngành quảng cáo đạt khoảng 3.200 triệu USD (ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.).
Trong điều kiện kinh tế đang phục hồi và phát triển như hiện nay với sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp quảng cáo trong dư địa còn rất lớn cho ngành quảng cáo, đặc biệt với tốc độ phát triển rất nhanh của quảng cáo kỹ thuật số thì những mục tiêu này rất khả thi. Dựa trên kết quả khảo sát 167 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu lên tới 500 tỷ đồng/năm do nhóm chuyên gia dẫn đầu bởi Novaon thực hiện thì quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam giai đoạn 2020-2025 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) là 21,5%.
Tuy vậy, ngoài những khó khăn vướng mắc chung như các ngành CNVH như đã đề cập ở trên thì ngành quảng cáo ở Việt Nam hiện cũng còn những khó khăn, vướng mắc riêng cần được tháo gỡ mà chúng tôi đã nhiều dịp phản ánh với cơ quan quản lý các cấp. Chúng tôi xin phép không nhắc lại nhưng với mong muốn ngành quảng cáo Việt Nam, một ngành có thế mạnh trong 12 ngành CNQC được phát huy, phát triển như kỳ vọng của Chính phủ, nhân Hội nghị chúng tôi xin có vài kiến nghị, đề xuất riêng cho ngành như sau:
Trong quá trình nâng cao nhận thức chung của xã hội về các ngành CNVH thì cần chú tâm hơn đến việc giải tỏa những nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí còn có phần định kiến về ngành quảng cáo.
Các cơ quan quản lý sớm nghiên cứu, có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi những văn bản quản lý chồng chéo, không phù hợp; công khai, minh bạch quy hoạch quảng cáo ở địa phương. Đặc biệt là Nhà nước sớm cho sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo đã có nhiều bất cập qua 10 năm thực hiện.
Các cơ quan quản lý cần phát huy hơn nữa khả năng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hội quảng cáo đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ trì, phối hợp với HHQCVN duy trì đều dặn Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam thường niên theo Quyết định 1927/QĐ-BVHTTDL ngày 07/7/2020 của Bộ VHTTDL để thương hiệu quảng cáo Việt Nam được quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế.
Hiệp hội Quảng cáo VN sẽ tích cực tham gia đóng góp vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo và sẵn sàng hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quảng cáo.
Xem thêm bài viết tại danh mục quảng cáo và truyền thông