Nguyên nhân nào khiến trẻ em nói dối?
Nhiều bậc cha mẹ đang rất đau đầu khi con mình nói dối rất nhiều. Trước khi tìm cách khắc phục tình trạng này, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ nói dối.
Trẻ sợ bị phạt
Tương tự cách người lớn nói dối để không muốn gặp rắc rối, trẻ em chọn cách này để tránh những hậu quả tiêu cực. Nếu trẻ có thói quen nói dối để tránh gặp rắc rối, cha mẹ nên xem xét các biện pháp kỷ luật của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, kỷ luật hà khắc sẽ biến trẻ em thành những kẻ nói dối "chuyên nghiệp". Nếu trẻ sợ hãi trước phản ứng của cha mẹ, chúng sẽ có nhiều khả năng nói dối. Do đó, hãy khuyến khích con nói thật bằng cách nào đó để trẻ không còn sợ hãi việc bị phạt nữa, chẳng hạn giảm nhẹ hình phạt.
Trẻ sợ sẽ bị coi là người xấu
Trẻ sợ nói thật về một điều xấu nào đó mà mình đã lỡ vi phạm, vì trẻ cho rằng chỉ những người xấu trong cái câu chuyện cổ tích mới làm như vậy. Và nếu trẻ thừa nhận sự thật, trẻ sẽ biến thành người xấu.
Hãy giải thích cho trẻ rằng cho dù là người tốt thì cũng có lúc phạm sai lầm và mắc lỗi. Điểm khác biệt là họ biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình và tìm cách thay đổi.
Trẻ sợ làm người lớn buồn
Trẻ yêu và không muốn làm cha mẹ buồn. Vì vậy, khi trẻ phạm sai lầm gì đó, con có thể chọn cách không nói thật vì sợ điều đó khiến cha mẹ không vui, thất vọng vì chúng. Vậy nên, nếu phản ứng của bạn đối với sự thật bớt u ám đi thì con cũng sẽ bớt lo ngại tổn thương bạn vì nói thật.
Trẻ không nhớ
Đôi khi trẻ nói dối mà lại tin vào chính lời nói dối của mình. Có thể đơn giản là trẻ đã quên những trò nghịch ngợm của mình mà thôi. Đừng lo lắng khi trẻ có những lời nói dối như thế mà phải kiên nhẫn giải thích cho trẻ hiểu.
Để phát huy trí tưởng tượng của trẻ
Đôi khi trẻ nhầm lẫn giữa tưởng tượng và thực tế. Con bạn có bao giờ kể rằng bé vừa cưỡi kỳ lân không? Hay khăng khăng có một con quái vật đã làm lộn xộn phòng ngủ của con? Trẻ em có trí tưởng tượng tuyệt vời và đôi khi, chúng thể hiện những tưởng tượng của mình như sự thật. Khi trẻ nói về điều tưởng tượng, cha mẹ đừng dập tắt điều đó của con. Thay vào đó, hãy giúp trẻ hiểu rằng con vẫn có thể kể những câu chuyện đó miễn là con nói rõ chúng là điều không có thật.
Đừng nghiêm khắc với những lời nói dối như vậy, theo thời gian trẻ lớn thì những lời nói dối như thế cũng sẽ tự động biến mất mà thôi.
Trẻ nghĩ nói dối là lịch sự
Đôi khi trẻ đơn giản cho rằng nói dối là đúng trong các trường hợp như: được bà mua cho quần áo, trẻ tỏ ra vui vẻ và yêu thích, dù thực sự không thích món đồ đó lắm. Điều này cũng là do cách ứng xử của người lớn. Chúng ta cũng hay làm như vậy vì phép lịch sự mà.
Trẻ muốn gây ấn tượng
Đôi khi trẻ em cũng nói dối vì chúng muốn gây ấn tượng với người khác. Điều này thường xảy ra ở những trẻ thiếu tự tin, nói dối để muốn người khác chú ý. Lúc này, cha mẹ cần nói chuyện với con về những hậu quả tiềm ẩn của việc khoe khoang, đồng thời rèn luyện cho trẻ các kỹ năng xã hội phù hợp. Bạn nên giúp con tìm cách kết nối với những người khác mà không cần nói dối.
Trẻ học theo người lớn
Cha mẹ luôn dạy con cần phải trung thực nhưng lại vô tình để con biết được mình đang nói dối. Điều này vô tình khiến trẻ nghĩ rằng nói dối không có hại và có thể học theo cách cha mẹ nói dối, bóp méo sự thật.
Hãy nhớ rằng, trẻ con luôn bắt chước và học theo người lớn. Vì thế, cha mẹ cần làm tấm gương về sự trung thực