Thứ bảy, 09/12/2023, 06:01 (GMT+7)

Cha mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị cúm?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân bùng phát nhiều chủng cúm. Cha mẹ cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị cúm để bệnh mau lành.

Bệnh cúm ở trẻ em

tre bi cum Tiepthigiadinh H1
Trẻ bị cúm được chăm sóc đúng cách sẽ nhanh khỏi bệnh

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra, rất dễ lây lan và có thể phát triển thành dịch lớn. Tùy từng loại virus gây bệnh và mức độ lây lan của chúng mà chia thành: cúm A, cúm B và cúm C. Bệnh cúm thường lành tính, tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng và kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, sức đề kháng còn non kém.

Thông thường, sau khoảng 2 ngày cơ thể tiếp xúc với virus cúm, trẻ bắt đầu sốt nhẹ rồi tăng dần nhiệt độ cơ thể, cảm thấy ớn lạnh, đau đầu, đau họng, ho nhiều, chảy nước mắt, nghẹt mũi và sổ mũi, ăn kém, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, đôi khi có tiêu chảy. Nhiều trường hợp trẻ bị đau mỏi chân tay, cơ, hốc mắt… Sau khoảng 4 - 7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách, các triệu chứng sẽ dần biến mất, chỉ có ho và mệt mỏi vẫn kéo dài. 

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị cúm

Hạ sốt

- Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Xác định nhiệt độ nước chườm bằng cách nhúng cùi chỏ người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.

- Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, với liều 10 - 15mg/kg cân nặng và cách 4 – 6 giờ một lần. Hoặc cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

- Không nên nôn nóng mà cho trẻ uống quá liều lượng hoặc rút ngắn thời gian uống của trẻ, tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Vệ sinh cá nhân

- Sử dụng dung dịch Natriclorid 0,9% hoặc các dung dịch sát khuẩn đường mũi, mắt, họng theo chỉ định của bác sĩ.

- Khi trẻ bị sổ mũi, ho có đờm, dùng khăn giấy sạch thấm và vứt bỏ ngay. Không nên dùng khăn lau đi lau lại sẽ lây lan vi khuẩn.

tre bi cum Tiepthigiadinh H2
Cho trẻ dùng giấy khô, mềm để xì mũi

- Người chăm sóc và trẻ thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch

- Hạn chế để trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Cha mẹ cần nới rộng quần áo cho trẻ, đảm bảo đủ ấm mà thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Không nên kiêng tắm, thay vào đó hãy tắm nhanh và thay quần áo hàng ngày cho trẻ trong phòng ấm để tránh nhiễm lạnh.

Bổ sung đầy đủ nước và chất dinh dưỡng

- Cần đủ nước và điện giải cho trẻ, nhất là khi trẻ sốt cao. Cha mẹ nên dùng dung dịch oresol pha theo đúng tỷ lệ khuyến cáo, cho trẻ uống tích cực theo nhu cầu để hạn chế tình trạng mất nước cũng như các biến chứng do rối loạn nước và điện giải gây ra.

- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như: cháo thịt, sữa, rau xanh, hoa quả giàu vitamin C. Nên khuyến khích trẻ ăn nhiều loại thực phẩm thay vì chỉ ăn 1 loại trẻ thích. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.

Phòng lây nhiễm chéo

Nếu nhà có nhiều trẻ em thì cần cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong cùng nhà để tránh lây nhiễm. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh. Người chăm sóc cũng nên mang khẩu trang để tránh lây bệnh từ trẻ.

Dấu hiệu trở nặng cần đưa đi viện

Khi chăm sóc trẻ bị bệnh cúm cha mẹ cần lưu tâm tới các dấu hiệu sau để nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, kịp thời xử trí mới tránh được những biến chứng nguy hại:

- Sốt từ 39 độ C trở lên, đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng với thuốc

- Co giật

- Li bì, ăn kém, mệt mỏi, nôn nhiều

- Chân tay lạnh ngắt

- Bỏ bú hoặc bỏ ăn

- Thở nhanh, khó thở.

Cùng chuyên mục