Có nên cân nhắc trước khi để lại tài sản cho con cái?
Người Việt Nam thường có quan niệm xây nhà, kiếm tiền rồi sau này để lại tài sản cho con cái, nhưng nhiều người phương Tây thì không nghĩ vậy.
Nhiều người giàu nổi tiếng thế giới không để lại quyền thừa kế cho con mà mang tài sản đi gây quỹ hoặc từ thiện... Họ muốn con cái có tinh thần tự lập, tự vươn lên bằng thực lực của mình chứ không phụ thuộc vào tài sản của gia đình. Vậy người Việt có nên học tập theo quan điểm này không?
Trang The Economic Times chia sẻ rằng, người Ấn Độ cổ xưa có câu ngạn ngữ “Cha mẹ tích lũy của cải cho con cái là điều vô nghĩa”. Những đứa trẻ lớn lên trở thành những người trưởng thành tài giỏi và sáng suốt sẽ tự mình kiếm sống tốt. Nhưng nếu chúng trở nên vô dụng hay sử dụng tài sản một cách không khôn ngoan, chúng sẽ phung phí số tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ.
Để lại tài sản thừa kế là một quyết định mang tính chủ quan của mỗi gia đình, nếu bạn đang chuẩn bị cho việc đó hoặc nghĩ việc đó có tác động đến giáo dục con cái, hãy tham khảo lời khuyên của chuyên gia khi cân nhắc việc để lại tài sản cho con.
Thu nhập và mức sống hiện tại
Hầu như cha mẹ nào cũng muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của con cái bằng cách tạo ra thật nhiều của cải, nhưng đừng vì điều đó mà tự gây tổn hại đến sự thoải mái về điều kiện và mức sống của chính bạn.
Khi đã cố gắng cung cấp một nền giáo dục tốt cho con để sau này chúng được tuyển dụng vào môi trường làm việc có điều kiện thuận lợi, bạn sẽ không còn cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về tình trạng tài chính của chúng nữa.
Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ tài sản để đảm bảo các nhu cầu sau khi nghỉ hưu và tăng chi phí chăm sóc y tế để sau này bạn không trở nên phụ thuộc tài chính vào con cái. Bạn cũng nên ưu tiên để cải thiện cuộc sống của mình với những điều chưa thực hiện được bao lâu nay như: chăm lo cho sức khỏe của bản thân, tụ tập bạn bè và đi du lịch nhiều hơn…
Tình trạng quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Để lại tài sản cho con là chuyện tốt nhưng hãy cân nhắc một chút về tính cách, mối quan hệ giữa các con và quan hệ của con với cha mẹ. Nếu con cái luôn cãi vã hoặc có xu hướng ghen tị, đố kỵ về tình hình tài chính của nhau thì tài sản thừa kế có nhiều khả năng dẫn đến tranh chấp hơn là sự thoải mái.
Nếu tình yêu giữa các con không bị mất đi, tốt nhất bạn nên chuyển tài sản và của cải theo tỷ lệ tương đương cho chúng khi bạn còn sống, thay vì để chúng trở thành đối tượng hưởng lợi từ bất động sản sau khi bạn qua đời.
Trường hợp bắt buộc để lại tài sản cho con
Nếu bạn có một đứa con gặp khó khăn về thể chất hoặc tinh thần, chắc chắn con sẽ cần được chăm sóc tài chính suốt đời sau khi bạn qua đời. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng, con được để lại tài sản dưới hình thức ủy thác với những người giám hộ, người chăm sóc và tài liệu thích hợp để việc thừa kế mang lại lợi ích cho đứa trẻ.
Để lại tài sản cho con bằng cách nào?
Nếu bạn cảm thấy thoải mái về mặt tài chính ngay cả khi nghỉ hưu và vẫn còn đủ tài sản để để lại cho con cái, hãy đảm bảo để lại theo cách giảm thiểu tranh chấp. Nhu cầu và sở thích của con cái cũng là điều đáng quan tâm. Dù chia tài sản theo hình thức gì thì cũng cần đảm bảo các phần có quy đổi tương đương nhau. Bạn cũng có thể cho đi một phần tài sản của mình cho những người không phải là người thừa kế hoặc thành viên gia đình, hoặc hỗ trợ các tổ chức từ thiện mà bạn mong muốn. Nên viết di chúc dưới sự chứng kiến của pháp luật.
Cuối cùng, các chuyên gia khuyên bạn hãy nghiêm túc lập kế hoạch và áp dụng một số suy nghĩ chiến lược cho việc để lại tài sản thừa kế. Công sức cả đời của bạn cần được cho đi một cách xứng đáng.
- Tỷ phú nổi tiếng Bill Gates dạy con theo nguyên tắc nào?
- Cách giáo dục tài chính khác lạ để con cái trở nên ưu tú như Shark Tank Kevin O'Leary